KẾT QUẢ KIỂM TOÁN CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI: Cần trao quyền mạnh hơn nữa cho các địa phương

XUÂN HỒNG - HỒNG THOAN (thực hiện) | 10/06/2023 16:07

(BKTO) - Kết quả kiểm toán về lĩnh vực đất đai luôn là sự quan tâm đặc biệt của xã hội, nhất là tới đây Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi. Báo Kiểm toán đã phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia về một số nội dung liên quan đến chủ đề này.

ak.jpg
TS.Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Thưa ông, là một chuyên gia kinh tế am hiểu về KTNN, ông đánh giá như thế nào về kết quả kiểm toán liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai mà KTNN đã gửi các đại biểu Quốc hội?

Cá nhân tôi đánh giá, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 mà KTNN gửi các đại biểu Quốc hội, trong đó có các nội dung về kiểm toán đất đai thực hiện tương đối ổn. Tuy nhiên, phần kiến nghị kiểm toán cần tạo ra những đột phá giúp sửa đổi Luật Đất đai tại kỳ họp Quốc hội lần này và lần sau.

Chẳng hạn, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng bị vướng quy định là chuyển đến chỗ ở mới phải bằng và hơn chỗ ở cũ. Các tiêu chí để đánh giá rất mở và nếu kiến nghị kiểm toán chỉ dừng ở đó thì các địa phương rất khó để giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ví dụ như vấn đề giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, mặc dù Quốc hội đã có riêng một Nghị quyết từ khoá XIII nhưng hết khoá XIV và bây giờ đến khóa XV, chúng ta vẫn chưa giải phóng xong 5.000ha mặt bằng sân bay này, khiến tiến độ dự án chậm rất nhiều.

Nguyên nhân chính là do ngay cả khu tái định cư thì khâu giải phóng mặt bằng cũng thực hiện theo các quy trình: Giao đất, đấu thầu quy hoạch, đấu thầu xây dựng, xây dựng hạ tầng… Tất cả những khâu này đều rất lâu, kéo theo công trình chính tất yếu bị chậm lại.

Nếu KTNN đã có những kết luận, kiến nghị kiểm toán về tổng chi phí, về chậm tiến độ giải phóng mặt bằng… thì tôi kỳ vọng, KTNN sẽ đưa thêm những kiến nghị đột phá giúp khắc phục các vấn đề này.

Bên cạnh vấn đề giải phóng mặt bằng, báo cáo kiểm toán cũng chỉ rõ những hạn chế trong việc chậm phê duyệt và chậm công bố, minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc quản lý và sử dụng đất của từng địa phương cũng như cả nước, thưa ông?

Chúng ta thấy, pháp luật quy định nếu không có quy hoạch sử dụng đất thì không được thu hồi đất, không cấp đất cho các dự án để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng hiện nay, trong quy hoạch, chúng ta vẫn đang tách Quy hoạch đất đai ra khỏi Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Vừa rồi, chúng ta mới ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, nếu so với Luật Quy hoạch năm 2017, chúng ta đã chậm 5 năm.

Việc chậm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nguy cơ tiềm ẩn sai phạm. Bởi các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận giá đất với người dân rồi mua lại và sau đó chuyển quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, lúc đó chưa có quy hoạch nên rất nhiều dự án khi mua xong, chuyển đổi xong thì lại vướng trong việc xin cấp sổ đỏ, thậm chí không làm được sổ đỏ. Đây là những bất cập lớn làm chậm việc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân của thực trạng này là do Quy hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia. Chúng ta chỉ mới ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhưng Quy hoạch ngành quốc gia vẫn chưa hoàn thiện.

Đơn cử, ngày 15/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Cùng với Quy hoạch mạng lưới đường sắt và Quy hoạch mạng lưới đường bộ được phê duyệt trước đó, thì hiện nay, chúng ta còn vướng Quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Cho nên, khi các Quy hoạch ngành quốc gia chưa được phê duyệt, thì việc triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia bị vướng. Chính vì thế, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng bị vướng và chậm.

Thưa ông, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc ban hành giá đất của các địa phương. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Chúng ta đã phân quyền cho địa phương ban hành giá đất của địa phương. Khi thực hiện, địa phương phải phân bổ giá đất phù hợp với thu nhập và thực trạng kinh tế của địa phương. Thí dụ, giá đất ở Bắc Ninh phải khác Bắc Giang.

Thế nhưng, vấn đề đang vướng là chúng ta đứng ở hệ quy chiếu nào để nhìn giá đất của địa phương. Nếu dựa vào thu nhập của dân cư và của địa phương, tốc độ phát triển của tỉnh, chúng ta thấy giá đất mà tỉnh ban hành phù hợp với thị trường và khả năng kinh tế của địa phương, tức là giá đất được ban hành phù hợp với giá hiện tại.

Vấn đề hiện nay, chúng ta nhìn giá đất ở xuất phát điểm nào, là giá hiện tại hay tương lai. Nếu nhìn ở tương lai thì chi phí đầu tư để tạo ra giá trị cho thửa đất đó thì ai chịu, có tính vào giá đất không?

Bây giờ, nếu chúng ta lấy giá đất nông nghiệp đền bù cho người dân chỉ bằng 1/20-1/30 giá đất của dự án sau khi sử dụng, thì tổng mức đầu tư của dự án có tính vào giá đất không? Nếu tính vào thì giá đất sẽ tăng lên, nếu không tính thì giá đấy là hợp lý.

Bảng giá đất công bố hằng năm giúp các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành xây dựng các công trình, dự án dựa trên nguồn vốn ngân sách, giá thực tế đắt hay rẻ thì cũng là nguồn vốn ngân sách. Sau đó, chúng ta bán quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và theo Hiến pháp, lúc ấy mới tạo ra chênh lệch địa tô, thu về ngân sách thì sẽ hợp lý hơn rất nhiều. Lúc này, giá đất đắt hay rẻ không quan trọng bởi chúng ta thực hiện đổi đất lấy đất.

TS.Nguyễn Đức Kiên

Thưa ông, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến ban hành bảng giá đất hằng năm thay vì 5 năm như hiện hành. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Từ góc độ nghiên cứu khoa học, tôi thấy việc ban hành giá đất hằng năm không quan trọng. Vấn đề là khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chúng ta phải lấy đất đổi đất.

Chẳng hạn, khi lấy đất của một khu dân cư để làm đường, những nhà có sổ đỏ thì chúng ta chuyển họ sang khu đất đô thị đã có sẵn; những nhà chưa có sổ đỏ, chúng ta vẫn chuyển họ sang khu mới nhưng cho họ thuê đất để xây nhà.

Hiến pháp và Luật Đất đai hiện hành đã có quy định liên quan đến vấn đề này nhưng tại sao chúng ta không thực hiện. Tại sao chúng ta lại có tư duy người dân không có sổ đỏ thì không được đền bù giá cao, phải áp giá thấp, còn người dân có sổ đỏ được áp giá đền bù cao.

Sao chúng ta không thực hiện đổi đất lấy đất, người dân không có sổ đỏ thì cho họ thuê đất để ổn định cuộc sống. Nếu chúng ta nhìn ở góc độ thị trường như thế thì các vấn đề nóng trong giải phóng mặt bằng và đền bù sẽ được giải tỏa rất nhiều.

Vậy, ông có kỳ vọng gì đối với việc sửa Luật Đất đai lần này?

Tôi mong Quốc hội thảo luận và ra một nghị quyết, trong đó trao quyền cho các địa phương mạnh hơn nữa để họ chủ động tạo ra quỹ đất sạch và quỹ đất đô thị ở địa phương.

Khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất cho các dự án trọng điểm, các dự án liên tỉnh, liên vùng để phát triển kinh tế - xã hội, thì chúng ta sử dụng luôn quỹ đất sạch và quỹ đất đô thị đó. Chúng ta nên thí điểm thực hiện cơ chế này trong vòng 3 hoặc 5 năm, sau đó tổng kết lại.

Tôi cho rằng, điểm chủ yếu cần giải quyết của việc sửa Luật Đất đai lần này là vấn đề giá đất. Nếu giá đất vẫn theo cách tiếp cận của nền kinh tế kế hoạch hóa như hiện nay, của tư duy cũ như hiện nay thì vẫn bất cập…

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
KẾT QUẢ KIỂM TOÁN CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI: Cần trao quyền mạnh hơn nữa cho các địa phương