Thanh tra việc quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 10/6

(BKTO) - Từ ngày 10/6, Đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Công Thương sẽ thực hiện thanh tra về việc quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…

1(1).jpg
Bộ Công Thương sẽ thực hiện thanh tra việc quản lý và cung ứng điện của EVN, thời gian thanh tra là 30 ngày. Ảnh: Saigontimes

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 06/6/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, trong đó giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN và các đơn vị liên quan từ ngày 01/01/2021 đến ngày 01/6/2023.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký Quyết định số 1377/QĐ-BCT ngày 08/6/2023 về việc thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành, gồm lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Dầu khí và Than của Bộ Công Thương.

Tại buổi làm việc với Đoàn thanh tra sáng ngày 09/6 nhằm triển khai những yêu cầu, nội dung và thời gian thanh tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong những ngày gần đây đã xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung điện gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Chiều ngày 07/6, thông tin về tình hình cung ứng điện, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN đã cho biết, từ giữa tháng 4 đến nay, EVN gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo cung cấp điện. Đến nay, ở miền Trung và miền Nam đảm bảo cung cấp điện; riêng miền Bắc vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong vai trò quản lý nhà nước, ngay từ cuối năm 2022, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, có nhiều cuộc giao ban liên quan đến việc cung ứng điện của năm 2023, như biểu đồ cung cấp than, dầu, khí cho sản xuất điện và kế hoạch cung ứng điện.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, với lĩnh vực nhiệt điện than, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện cung ứng nguồn than cho chạy điện của các nhà máy nhiệt điện và đã góp phần cải thiện tình hình cung ứng điện.

Hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng 30,9 triệu kWh, ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực 

Tuy nhiên, năng lượng nói chung, điện nói riêng là vấn đề liên quan chặt chẽ tới kinh tế, an ninh, an toàn quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì thế, để xảy ra tình trạng thiếu điện vì bất kỳ lý do gì cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng, kịp thời.

Việc lập Đoàn Thanh tra chuyên ngành nhằm mục đích tìm đúng nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Do đó, Đoàn Thanh tra cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện, tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp - Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu.

Trong thời gian 30 ngày, kể cả ngày nghỉ, Đoàn thanh tra cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt các công việc cần thiết.

Khối lượng công việc nhiều nên cần tăng cường công tác nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Các nhân sự tham gia Đoàn thanh tra cần dành ưu tiên cao cho công việc.

Đoàn Thanh tra cũng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thanh tra, đề cương báo cáo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cùng với việc lập Đoàn thanh tra, cần tiến hành lập Đoàn giám sát thanh tra. Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trực tiếp giám sát Đoàn thanh tra để có kết luận chính xác, khách quan; Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thay mặt Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo cuộc thanh tra này.

Cùng chuyên mục
Thanh tra việc quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 10/6