Doanh thu và lợi nhuận quý III tăng so với cùng kỳ năm 2017
Trong quý III, trong số 371 DN đã công bố KQKD thì có đến 88% DN báo lãi và chỉ có 12% DN báo lỗ (tương đương 43 DN). So với cùng kỳ năm 2017, có thể thấy, các DN này đã đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng khi doanh thu tăng 14% và lợi nhuận sau thuế tăng 27%. Chưa kể, nếu so sánh lợi nhuận trong 9 tháng năm 2018 với cùng kỳ năm 2017 thì mức tăng còn đạt tới 33,2%.
Tính đến thời điểm này, trong 10 ngành (theo phân loại ngành ICB cấp 1) thì có đến 08 ngành đạt lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trong quý III, như: ngân hàng, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, y tế… Hai ngành có lợi nhuận giảm là công nghiệp và dầu khí. Mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất thuộc về các DN thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng (59%), tài chính- bất động sản (43%) và tiện ích công cộng (42%). Tuy chỉ đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức 26% và không thuộc nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, nhưng ngân hàng vẫn là nhóm ngành có giá trị tuyệt đối về lợi nhuận rất lớn, đóng góp tỷ trọng cao vào tổng lợi nhuận chung của cả hai sàn.
Thị trường chứng khoán - Ảnh:st |
Hiện có 08 ngân hàng niêm yết (VCB, MBB, TCB, ACB, VPB, STB, TPB và NVB) đã công bố lợi nhuận quý III, trong đó: ACB đạt mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất khi lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này đã tăng tới 139% so với cùng kỳ năm 2017; VCB là ngân hàng đạt giá trị lợi nhuận tuyệt đối lớn nhất khi sau 9 tháng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đã vượt mức cả năm 2017, đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Với các ngân hàng còn lại, mức tăng lợi nhuận cũng rất cao, như: TPB tăng 101%, MBB tăng 47% và TCB tăng 21%. Hai ngân hàng lớn đang niêm yết là CTG và BID dù chưa công bố báo cáo tài chính quý III, tuy nhiên lợi nhuận của 02 ngân hàng này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ có mức tăng ấn tượng.
Trong bối cảnh trần tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt và thấp hơn năm 2017 nhưng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn ở mức cao, cho thấy sự dịch chuyển trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng theo hướng gia tăng tỷ trọng đóng góp từ thu phí dịch vụ và thu ngoài lãi. Với xu hướng này, lợi nhuận của các ngân hàng có triển vọng bền vững hơn. Tuy nhiên, bên cạnh mức tăng về lợi nhuận, tỷ lệ nợ xấu trong quý III của một số ngân hàng lại đang có xu hướng nhích lên, chẳng hạn: MBB tăng từ 1,28% (quý II) lên 1,57% (quý III), VIB tăng từ 2,33% (quý II) lên 2,5% (quý III), VPB tăng từ 4,07% (quý II) lên 4,7% (quý III).
DN thủy sản, dệt may hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Trong quý III, lợi nhuận của các DN thủy sản tăng tới 117%, còn lợi nhuận của các DN dệt may tăng 65% so với cùng kỳ năm 2017. Một số DN thủy sản có mức tăng lợi nhuận cao, điển hình như Công ty Cổ phần Camimex Group (CMX) và Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 739% và 240% so với quý III/2017, hay Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 303% trong quý III và 251% trong 09 tháng, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) tăng 260% trong quý III và 153% trong 09 tháng. VHC cũng là DN đạt lợi nhuận lớn nhất trong số các DN thủy sản (lợi nhuận quý III 609 tỷ đồng, 9 tháng 1.035 tỷ đồng). Nhờ lợi nhuận tích cực mà giá của nhóm ngành này cũng là nhóm tăng mạnh nhất thị trường trong quý vừa qua, chẳng hạn, giá của VHC có thời điểm đạt mức cao nhất lên tới trên 100 nghìn đồng/cổ phiếu kể từ khi niêm yết.
Các DN dệt may hưởng lợi do các đơn hàng chuyển về Việt Nam với mức tăng trưởng lợi nhuận cao, như Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) tăng 85% trong quý III và 125% nếu so kết quả 9 tháng của năm 2018 hay Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG với mức tăng lần lượt là 38% và 249%. Tuy đã có kết quả rất tốt, nhưng lãnh đạo các DN dệt may vẫn tự tin với KQKD có thể đạt được trong quý IV cũng như các quý đầu của năm 2019.
Vẫn còn những DN có KQKD không thuận lợi
Bên cạnh mức tăng trưởng lợi nhuận cao của một số nhóm ngành, vẫn còn những ngành có KQKD không thuận lợi như nhiệt điện, phân bón, vận tải hay chứng khoán. Đây là những ngành chịu tác động bởi điều kiện kinh doanh khó khăn hơn, chẳng hạn: nhiệt điện, phân bón và vận tải chịu áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào (giá dầu, giá than tăng), chứng khoán chịu biến động không tích cực của thị trường trong quý III cả về thanh khoản và điểm số khiến lợi nhuận nhiều DN giảm so với cùng kỳ. Mức giảm mạnh nhất về lợi nhuận có thể kể đến sự thua lỗ của các DN nhiệt điện như: Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) hay các DN phân bón như: Công ty Phân bón Bình Điền (BFC), Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS). Theo các chuyên gia, sự sụt giảm này là do đặc thù của 02 nhóm ngành phải chịu tác động từ sự biến động thất thường của giá nguyên liệu đầu vào và nguồn cung trên thị trường…
Mặc dù, mới chỉ gần 50% số DN niêm yết (371/759) công bố KQKD, nhưng đây là cơ sở đề kỳ vọng thị trường chứng khoán lại có một mùa công bố KQKD với nhiều thông tin tích cực. Theo thống kê sơ bộ về KQKD, có thể thấy, những DN niêm yết đã công bố vẫn duy trì được mức tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận. Với sự biến động của thị trường chứng khoán, không phải cứ cơ bản tốt, lợi nhuận cao là giá cổ phiếu sẽ tăng. Biến động giá cổ phiếu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như xu hướng thị trường hay thanh khoản của chính cổ phiếu đó. Tuy nhiên, một bức tranh nhiều gam màu sáng về KQKD sẽ giúp định giá của nhiều cổ phiếu được nâng lên. Lợi nhuận cải thiện sẽ giúp chỉ số P/E của thị trường trong nước giảm xuống, tạo ra sự hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam nếu so sánh tương quan với mức P/E của các thị trường khác có quy mô phát triển tương đồng.
PHẠM TIẾN DŨNG
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt