Kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học công lập dưới góc nhìn kiểm toán

(BKTO) - Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường đại học công lập đã từng bước đổi mới và đạt được những thành tựu nhất định. Số đơn vị tự chủ về chi thường xuyên ngày càng tăng; mức tự chủ tăng đã giúp giảm phần nào kinh phí được cấp từ NSNN. Nhiều đơn vị đã chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển nguồn thu, tăng thu nhập cho người lao động… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện cơ chế này cũng bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc.



Tự chủ nhưng không hiệu quả hơn thời chưa tự chủ

Thông qua một số cuộc kiểm toán trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, KTNN đánh giá, kết quả thực hiện tự chủ tài chính của các trường nhìn chung còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao; chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá; việc tự chủ chưa thực sự đồng bộ giữa tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với tự chủ về tài chính; chưa đạt được mục tiêu phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho xã hội,… Thực tế hiện nay, các đơn vị còn chưa có quy định cụ thể để lập và thẩm định phương án tự chủ tài chính. Việc thẩm định phương án tự chủ của các Bộ còn căn cứ vào dự toán thu, chi do đơn vị lập và khả năng của NSNN, chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí, chưa có sự nhất quán giữa các đơn vị.

Về mức thu học phí, kết quả kiểm toán cho thấy có 2 xu hướng:
Thứ nhất, tại một số trường, việc tăng học phí theo lộ trình còn chậm, mức thu học phí năm sau không tăng so với năm trước, hoặc tăng với tỷ lệ thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do các trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nhiều trường có kết quả tuyển sinh rất thấp so với chỉ tiêu được duyệt trong năm. Chẳng hạn năm 2017, 3/4 trường đại học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kết quả tuyển sinh hệ chính quy đạt dưới 80% chỉ tiêu; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đạt 57,61%...

Trước áp lực đảm bảo nguồn thu, nhiều trường đã hạ điểm chuẩn để thu hút sinh viên, khiến chất lượng sinh viên đầu vào đi xuống. Bên cạnh đó, nguồn thu học phí giảm cũng dẫn đến nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực… cho việc dạy và học không được đảm bảo, làm giảm chất lượng đầu ra.

Ở xu hướng thứ hai, một số trường có lợi thế ngành, nhu cầu tuyển sinh cao lại tuyển vượt chỉ tiêu đã xây dựng, do đó, quy mô sinh viên không phù hợp với quy định số lượng giảng viên cũng như cơ sở vật chất. Ngoài ra, do mức thu học phí bị giới hạn bởi mức trần, một số trường đã xé rào, đặt ra mức thu cao hơn quy định, hoặc thu một số khoản ngoài quy định. Tình trạng này dẫn đến việc thiếu công khai, minh bạch trong việc thu và sử dụng nguồn thu.

Về vấn đề chi, KTNN đã phát hiện nhiều trường chi không đúng nguồn, không đúng đối tượng, chi vượt định mức, chứng từ chi không đảm bảo. Từ đó, việc thực hiện tự chủ không hiệu quả hơn so với thời không tự chủ.

Về đầu tư cơ sở vật chất, một số trường dự kiến khả năng tuyển sinh không chính xác nên đã đầu tư xây dựng trụ sở vượt quá khả năng tuyển sinh, gây lãng phí NSNN. Cụ thể, Trường Đại học Thủy lợi đầu tư cơ sở mở rộng tại khu Đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2017 nhưng kết quả tuyển sinh chưa đáp ứng chỉ tiêu đề ra, hiệu suất sử dụng trong năm 2017 chỉ đạt 10%, 6 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 3% so với mục tiêu; Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh xây dựng cơ sở 2 với tổng mức đầu tư xây dựng giai đoạn I là 137.517 triệu đồng, dự kiến đào tạo 3.020 sinh viên/năm, tuy nhiên năm học 2015-2016, tuyển sinh tổng số các hệ chỉ đạt 15,98% (735 sinh viên/4.600 chỉ tiêu), năm học 2016-2017 đạt tỷ lệ 14,2% (383 sinh viên/2.700 chỉ tiêu);…

Cần tăng cường cơ chế tự chủ tài chính bằng nhiều giải pháp

Từ việc phát hiện những bất cập, hạn chế trên đây, KTNN đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường kết quả thực hiện tự chủ tài chính của các trường đại học công lập.

Một là, tăng cường trao quyền tự chủ về cơ chế tài chính và kịp thời điều chỉnh khung học phí của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là đối với các trường chưa tự chủ về đầu tư và thường xuyên theo lộ trình. Đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa, mức hỗ trợ học phí có thể tính theo mức quy định của Nhà nước, do Nhà nước cấp bù, tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận giáo dục đại học.

Hai là, cần đồng bộ quyền tự chủ về tuyển sinh, về chuyên môn, về tổ chức bộ máy và nhân sự, về học phí, về cơ chế tạo nguồn cũng như sử dụng nguồn kinh phí. Rà soát các chính sách ban hành, chỉnh sửa đồng bộ theo hướng mở rộng hơn việc giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, quản lý hiệu quả, công khai minh bạch trong các cơ sở giáo dục đại học công lập nhằm khuyến khích đóng góp của toàn xã hội tài trợ cho giáo dục.

Ba là, bên cạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cần tăng cường cơ chế kiểm soát, yêu cầu tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các trường, đảm bảo hoạt động theo đúng luật pháp, bảo vệ quyền lợi cho người dạy, người học.

Bốn là, trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục đại học, cần thay đổi cơ bản phương pháp từ hỗ trợ NSNN sang phương thức đặt hàng/đấu thầu, gắn với chất lượng, số lượng đầu ra và các định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực đào tạo nhằm đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Những ngành học đang có nhu cầu cao thì để cơ sở giáo dục cạnh tranh về chất lượng theo cơ chế thị trường, nhằm thu hút sinh viên, tạo áp lực phải đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo. Những lĩnh vực có quy mô sinh viên nhỏ, khó tuyển sinh thì phải có phương án hỗ trợ. Đối với các đối tượng chính sách xã hội, Nhà nước thực hiện hỗ trợ trực tiếp kinh phí để mua dịch vụ công từ thị trường.

Năm là, các Bộ, ngành cần rà soát sắp xếp, cơ cấu lại các trường đại học trực thuộc; sáp nhập hoặc giải thể những trường hoạt động không hiệu quả, có tỷ lệ tuyển sinh hằng năm quá thấp; tinh gọn bộ máy, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tránh đầu tư tràn lan gây lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước. Việc cơ cấu lại cũng cần tính đến các ngành mũi nhọn, những cơ sở giáo dục đại học công lập ở vùng khó khăn, đào tạo sinh viên diện chính sách cần ưu tiên.

Sáu là, các trường đại học cần hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp với cơ chế hoạt động mới. Quy chế này phải được thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, khai thác tối đa các nguồn lực, điều kiện hiện có của nhà trường và các hoạt động liên doanh, liên kết; chi trả theo năng lực cũng như hiệu quả công tác để khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ viên chức và người lao động.

TRẦN NGUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số 37 ra ngày 12-9-2019
Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ tham dự Đại hội INTOSAI XXIII
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhận lời mời của Chủ tịch KTNN Liên bang Nga Aleksei Kudrin, Đoàn đại biểu của KTNN Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành dẫn đầu sẽ tham dự Đại hội Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) lần thứ XXIII tại Liên bang Nga, từ ngày 23 - 28/9.
  • Giải pháp nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO)- Chiều 13/9, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học của KTNN đã nghiệm thu đề tài cấp cơ sở “Giải pháp nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” do CN. Ninh Trần Nam và CN. Đỗ Hồng Thúy đồng chủ nhiệm.
  • Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 11/9, Tổng Kiểm toán nhà nước đã có Công điện số 1138/CĐ-KTNN gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN về việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán thông qua việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ.
  • Hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN gửi các cơ quan liên quan thẩm định, cho ý kiến
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO)- Chiều 11/9, tại trụ sở KTNN, cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc- Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược. Cuộc họp tiến hành tham gia ý kiến hoàn thiện đối với Dự thảo Chiến lược (lần thứ 3), chuẩn bị trình các cơ quan liên quan thẩm định, cho ý kiến.
  • Giải pháp vượt qua thách thức trong kiểm toán dự án đầu tư
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đầu tư xây dựng là lĩnh vực quan trọng, giữ vai trò trọng yếu trong việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian qua, KTNN đã tập trung phát hiện những bất cập, hạn chế trong quản lý đầu tư xây dựng công trình đối với từng giai đoạn của quá trình đầu tư; chỉ rõ những sai phạm, khuyết điểm và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; đồng thời đi sâu phân tích, đánh giá tính kinh tế và hiệu quả đầu tư của các dự án. Tuy nhiên, do hoạt động kiểm toán thực hiện trên cơ sở xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro (tức là chấp nhận mức độ rủi ro ở ngưỡng hợp lý) nên việc kiểm toán nói chung và kiểm toán dự án đầu tư nói riêng đã gặp không ít khó khăn và thách thức. Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Kiểm toán xin giới thiệu bài tham luận của TS. Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV - tại Hội thảo “KTNN trong tiến trình phát triển đất nước”.
Kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học công lập dưới góc nhìn kiểm toán