
Thưa ông, việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này nhằm thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc sắp xếp hệ thống các cơ quan nhà nước, trong đó có sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu quả và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TTCP được giao nhiệm vụ soạn thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Thứ nhất là để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp các cơ quan thanh tra. Theo đó, có 12 cơ quan thanh tra Bộ sẽ được sắp xếp về TTCP; các cơ quan thanh tra sở và thanh tra huyện sẽ sắp xếp về thanh tra tỉnh/thành phố. Đồng thời, không tổ chức các cơ quan thanh tra Cục, trừ những Cục có chức năng thực hiện các điều ước quốc tế và không tổ chức các cơ quan thanh tra chuyên ngành… Do đó, đòi hỏi Luật Thanh tra phải đáp ứng được việc sắp xếp theo thực tế này.
Thứ hai, Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng nhằm khắc phục một số bất cập của Luật Thanh tra hiện hành và để đồng bộ với các luật. Đồng thời, thực hiện những quy định mới trong xây dựng pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 - tức là Quốc hội chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì để Chính phủ quy định - nên Luật Thanh tra (sửa đổi) được xây dựng với tinh thần mới, mới cả về chủ trương phải đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống các cơ quan thanh tra nói riêng, cũng như hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung; mới cả về mặt tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra sau khi sắp xếp.
Đến nay, Dự thảo Luật Thanh tra đã có quy định ra sao để làm rõ trách nhiệm phối hợp, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, thưa ông?
Đây là vấn đề quan trọng, được TTCP rất quan tâm. Trong thời gian qua, có thể nói do bộ máy của cơ quan thanh tra có rất nhiều tầng nấc dẫn đến chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và trong chính hoạt động thanh tra. Mặc dù TTCP và Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã rất nỗ lực khắc phục, đã có Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan với nhiều hoạt động đã được triển khai, nhưng thực tiễn vẫn có sự chồng chéo và chủ yếu xảy ra cơ quan thanh tra chuyên ngành (thuộc Bộ, ngành) với KTNN… Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy lần này và Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ giải quyết căn cơ vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra với kiểm toán và trong chính hoạt động thanh tra.
Theo đó, tại Dự thảo Luật đã có những quy định để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Thứ nhất, tại khoản 3 Điều 4 Dự thảo Luật quy định nguyên tắc trong hoạt động thanh tra là không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa cơ quan thanh tra với cơ quan KTNN. Thứ hai, tại khoản 1 Điều 10 Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của TTCP là phối hợp với KTNN để xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động KTNN; hướng dẫn các cơ quan thanh tra trong việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động KTNN. Thứ ba, tại điểm i, khoản 2 Điều 11 Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng TTCP là xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động KTNN.

Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy lần này và Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ giải quyết căn cơ vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra với kiểm toán và trong chính hoạt động thanh tra.
Ông Trần Đăng Vinh
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm phối hợp trong hoạt động thanh tra, KTNN. Tại khoản 2 Điều 57 Dự thảo Luật quy định việc Tổng TTCP và Tổng Kiểm toán nhà nước phối hợp xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động KTNN; hằng năm, TTCP và KTNN đánh giá, tổng kết việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động KTNN để khắc phục khi xây dựng kế hoạch, thực hiện hoạt động thanh tra, KTNN cho năm sau.
Điều 58 Dự thảo Luật cũng quy định Thủ trưởng cơ quan thanh tra và Kiểm toán trưởng KTNN khu vực, chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp trong hoạt động, trao đổi thường xuyên để tránh chồng chéo, trùng lặp khi tiến hành thanh tra, kiểm toán.
Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có sự chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thanh tra khác hoặc cơ quan KTNN, Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và thông báo cho cơ quan KTNN, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và bảo đảm tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan.
Như vậy, Tổng TTCP sẽ điều hành kế hoạch của cơ quan TTCP và trực tiếp phối hợp với KTNN theo cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan. Đồng thời, các quy định về trách nhiệm của Tổng TTCP, Tổng Kiểm toán nhà nước, cũng như trách nhiệm của Chánh Thanh tra và Kiểm toán trưởng các KTNN khu vực, chuyên ngành phối hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo (nếu có) trong hoạt động thanh tra, kiểm toán… sẽ giúp khắc phục được tình trạng bất cập này bấy lâu nay.
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật, KTNN đã có một số góp ý cụ thể, tinh thần tiếp thu của Ban soạn thảo với góp ý của KTNN nói riêng và các Bộ, ngành, cơ quan nói chung như thế nào, thưa ông?
Vừa qua, TTCP nhận được ý kiến góp ý của KTNN rất kịp thời, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật cùng với các ý kiến của các cơ quan khác. Với những nội dung góp ý cụ thể, rõ ràng, thiết thực, TTCP đã tiếp thu tối đa những ý kiến của KTNN, chẳng hạn như: Rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực cho phù hợp với Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; bổ sung nội dung phòng, chống lãng phí vào một số điều khoản cụ thể. Bổ sung quy định về Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào Chương 2 của Dự thảo Luật…
Trên cơ sở góp ý của KTNN, cũng như các Bộ, ngành, địa phương, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa để giúp Chính phủ hoàn thiện Dự thảo Luật. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, của các Bộ, ngành, địa phương để cùng với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra để trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.