Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng 28/4, tại Hà Nội.
TS. Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động mà Viện đã tích cực triển khai thời gian qua nhằm ghi nhận, tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học đối với các vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi ).
Kết quả góp ý tại các hội thảo được nghiên cứu, tổng hợp trở thành nguồn thông tin khoa học quý báu hỗ trợ, phục vụ quá trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan cho ý kiến về Dự án Luật.
Để Hội thảo đạt được hiệu quả cao, hoàn thành mục tiêu đề ra, TS. Nguyễn Văn Hiển đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu trực diện, khách quan, đa chiều về các nội dung trọng tâm liên quan đến những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật như: vấn đề tài chính về đất đai, giá đất; thu hồi đất, bồi thường, tái định cư…
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục (mục 1 Chương VII; mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Góp ý vào Dự thảo Luật, PGS,TS. Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật Kinh tế, Trưởng Bộ môn luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai. Chế định này có tác động và ảnh hưởng tới sự phân bổ và điều chỉnh đất đai của Nhà nước và tới quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi.
Mặc dù Dự thảo lần này đã dành sự quan tâm tới việc sửa đổi, bổ sung và quy định mới về vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, theo bà Nga, nội dung sửa đổi chưa thực sự giải quyết tận gốc của những hạn chế, bất cập về vấn đề này của phát luật đất đai hiện hành; chưa thể hóa sâu rộng theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
PGS,TS. Nguyễn Thị Nga đề nghị, cần bổ sung thêm các quy định nhằm xử lý về một số vấn đề đã và đang phát sinh trên thực tế như: hậu quả pháp lý và xử lý tài sản trên đất; trách nhiệm của bên thứ ba…
Bên cạnh đó, nghiên cứu rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận đất đai nhanh hơn; cần đặt ra những quy phạm xác định chế tài cho các trường hợp chậm tái định cư hoặc chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, bà Nga đề nghị cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự để vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Luật Dân sự.
Liên quan tới quy định về cơ chế thỏa thuận, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia tư vấn pháp lý bất động sản cho rằng, việc tách hai cơ chế riêng rẽ: cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, cơ chế thỏa thuận về quyền sử dụng đất để thực hiện dự án là không cần thiết. Bởi hai cơ chế này đều có chung bản chất là việc nhà đầu tư chủ động tạo lập quỹ đất thông qua các giao dịch dân sự thay vì nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Vì vậy, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh đề xuất gộp cơ chế thỏa thuận về quyền sử dụng đất với cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.
Ths. Nguyễn Văn Đỉnh cũng kiến nghị, làm rõ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại; bãi bỏ quy định tại khoản 5 Điều 118 Dự thảo Luật; cho phép mở rộng việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các loại đất khác (gồm cả đất nông nghiệp) để thực hiện dự án nhà ở thương mại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW…
Liên quan đến quy định về giá đất, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam Ngô Gia Cường nhấn mạnh, đây là chính sách mới có mức độ ảnh hưởng lớn nên cần được nghiên cứu, triển khai có lộ trình; nên thực hiện thí điểm song song với phương pháp xây dựng bảng giá đất truyền thống với quy mô nhỏ, tổ chức nghiệm thu, đánh giá, so sánh với phương pháp truyền thống trước khi áp dụng trên diện rộng.