Khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị

(BKTO) - Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII, Đảng ta đặc biệt quan tâm tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ về nội dung, chương trình, giáo trình, về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp trong đào tạo lý luận chính trị, đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp.

hoc-chinh-tri.jpeg
Quang cảnh Hội nghị Toàn quốc về công tác đào tạo Cao cấp lý luận chính trị diễn ra chiều 9/5 tại Hà Nội. Ảnh: ST

Theo PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 09-KL/TW ngày 09/7/2021 về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên; Quy định số 57-QĐ/TW ngày 08/02/2022 về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, giai đoạn 2020-2024, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị có bước phát triển toàn diện cả về đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình; tổ chức tuyển sinh, quản lý hệ thống, tăng cường kỷ cương, kỷ luật học tập…

“Hiện nay, Học viện đã xây dựng, phát triển chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị mới dành cho cán bộ lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (nghiệm thu năm 2024) và đang chuẩn bị triển khai xây dựng, phát triển chương trình cao cấp lý luận chính trị mới, trọng tâm là cập nhật tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, thực hiện từ quý I/2026 nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ mới” - PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc cho biết.

Cần coi trường Đảng và công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị là cơ hội để sàng lọc, phát hiện kịp thời những học viên thực sự xuất sắc trong học tập, rèn luyện, tư duy, kỹ năng, tầm nhìn... để cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ. Qua đó, tạo động lực cho cán bộ được cử đi học nỗ lực, phấn đấu trong quá trình học tập .

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 09/5, nhiều ý kiến nhận định: Thời gian qua, công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị đi vào nền nếp, bài bản, chất lượng và nghiêm túc, là khâu quan trọng, cần thiết để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác tuyển sinh và quy trình đào tạo thống nhất, đồng bộ với công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...

Tuy nhiên, việc đổi mới xây dựng và thiết kế nội dung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo yêu cầu nâng cao năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn và nhu cầu của người học.

GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi một đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Do đó, phải khắc phục triệt để tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học đối phó, học để lấy bằng cấp, học để quy hoạch, học để bổ nhiệm.

“Phẩm chất của cán bộ phải được đào tạo, bản lĩnh phải được rèn luyện, kiến thức phải được cập nhật, có như vậy mới am tường lý luận, đủ khả năng để lãnh đạo, xử lý vấn đề trong thực tế đặt ra” - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Khẳng định kết quả học tập lý luận chính trị phải là tiêu chí cứng để đánh giá cán bộ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc đăng ký chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, đảm bảo việc cử cán bộ tham gia đào tạo lý luận chính trị đúng đối tượng; phối hợp quản lý hoạt động học tập, rèn luyện tại Học viện của cán bộ. Đồng thời, không giao nhiệm vụ cho cán bộ trong thời gian học tập hệ tập trung; không cử cán bộ đang học tập đi công tác nước ngoài trong thời gian kế hoạch giảng dạy, học tập, để việc học tập đạt kết quả cao nhất./.

Cùng chuyên mục
Khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị