Tích cực hội nhập nhưng còn vướng mắc
Báo cáo của Chính phủ do đại diện của Bộ Công Thương trình bày tại phiên họp đã đánh giá: một năm qua, các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính đề ra tại Nghị quyết 1052; cụ thể hóa nhiệm vụ vào các chương trình, kế hoạch của Bộ, ngành mình nhằm thúc đẩy hội nhập trong từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng và đảm bảo tiến trình hội nhập của cả nước nói chung.
Qua thực hiện Nghị quyết, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực như: Thông tin tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; cải cách thể chế, luật pháp phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu; bảo vệ quyền lợi của DN trước các hàng rào thương mại; tích cực tham gia vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế và đẩy mạnh đàm phán các FTA...
Trong quá trình này, vai trò điều phối công tác hội nhập của Chính phủ (thông qua Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế) đã giúp tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả triển khai các hoạt động hội nhập kinh tế, đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước.
Cần phát huy vai trò của DN trong hội nhập kinh tế quốc tế Ảnh: TK
Tuy nhiên, báo cáo đã chỉ ra 10 tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong số đó, báo cáo nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ, thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ. Đây là nhóm vấn đề cần được tiếp tục xử lý trong dài hạn.
Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư chưa cao như mong muốn; sức cạnh tranh của nền kinh tế, DN và sản phẩm mặc dù đã được cải thiện nhưng còn yếu so với các nước; việc phát triển thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Đặc biệt, đã xuất hiện các điểm nút “cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển.
Cần có chính sách cụ thể và những giải pháp mạnh
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến trong UBTVQH đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được sau một năm thực hiện Nghị quyết 1052, đã góp phần phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng trong quá trình hội nhập sâu rộng….
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, báo cáo cần đưa ra những đánh giá, nêu rõ những ngành, lĩnh vực hội nhập thành công, những ngành nào, lĩnh vực hội nhập còn chậm hay có xu hướng tụt hậu, để có chính sách và tập trung các giải pháp mạnh mẽ hơn. Đối với những vấn đề tồn tại, vướng mắc, cần xác định, chỉ rõ đâu là yếu tố chính gây cản trở, trì trệ trong phát triển kinh tế.
Đánh giá cao vai trò của nguồn nhân lực tới quá trình hội nhập, là "chìa khóa" để hội nhập thành công, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải tỏ rõ băn khoăn khi Chính phủ chưa đánh giá đầy đủ và có giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, với ưu thế nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ, nếu chúng ta nâng cao được chất lượng đào tạo, dạy nghề thì đó là một thế mạnh lớn để thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần nêu ra những giải pháp đã thực hiện từ khi có Nghị quyết 1052 nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cần có lộ trình thực hiện mục tiêu như Nghị quyết yêu cầu. Cần rà soát, cụ thể hóa bằng các biện pháp mạnh hơn và trường hợp cần thiết đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 trong bối cảnh tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đòi hỏi tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực khoa học công nghệ…
Cùng với đó, để thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, các đại biểu cũng nhấn mạnh việc phát huy vai trò của DN trong hội nhập quốc tế; tính chủ động trong dự báo diễn biến tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là việc tăng cường tính tuân thủ pháp luật, thể chế…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ngoài bám sát 8 nhóm giải pháp trong Nghị quyết 1052, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bám sát Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 06-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Nghị quyết của Quốc hội, để có sự chuẩn bị tích cực từ bên trong khi hội nhập.
Chia sẻ băn khoăn của các đại biểu, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, khâu yếu nhất của chúng ta vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Chính phủ đã nhận rõ vấn đề này và chỉ đạo sắp tới sẽ có sự chuyển động của cả hệ thống chính trị, trước hết sẽ có Ban Chỉ đạo về cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại, giao lưu quốc tế.