Khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Đấu thầu và Luật Giá hiện hành

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 07/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) và việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.

071120220413-to-7i-1-.jpg
Các đại biểu Quốc hội Tổ 7 thảo luận tại Tổ chiều 07/11. Ảnh: Đ. KHOA

Tập trung thảo luận về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi hai Luật này là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Giới hạn phạm vi dự án thực hiện đấu thầu trước

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) nêu rõ, phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Luật liên quan rất lớn đến khái niệm "vốn nhà nước". Do đó, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm vốn nhà nước để thống nhất với các luật có liên quan như: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Liên quan đến quy định về đấu thầu trước, đại biểu cho rằng, đây là quy định mới của Dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu. Theo đó, Dự thảo Luật quy định cho phép chủ đầu tư được triển khai trước một số hoạt động chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu trước khi có quyết định phê duyệt dự án. Đại biểu đề nghị rà soát kỹ quy định này, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời, theo đại biểu, việc triển khai trước một số hoạt động chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu trước khi có quyết định phê duyệt dự án có thể tạo ra rủi ro cho cả bên mời thầu và bên nhận thầu; tạo ra sức ép phê duyệt dự án mà dễ xem nhẹ đánh giá hiệu quả và các điều kiện khác để quyết định phê duyệt dự án.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, cần giới hạn phạm vi thực hiện, liệt kê cụ thể các trường hợp được xem là “cần thiết để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu”. Trong trường hợp không thể liệt kê từng trường hợp, cần nhóm lại các loại dự án, lĩnh vực của dự án hoặc bổ sung các quy định về tiêu chí, điều kiện thực hiện cụ thể, rõ ràng, tránh trường hợp có nhiều cách hiểu” - đại biểu Nguyễn Thành Trung nêu quan điểm.

Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, Luật Đấu thầu lần này phải khắc phục cho được tình trạng các nhà đầu tư hoặc nhà thầu tham gia đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu, ngoài những điều kiện quy định trong Luật thì các nghị định, thông tư hay một số địa phương có thể đặt thêm các tiêu chí để đủ điều kiện nộp hồ sơ đấu thầu.

“Tôi đề nghị cần quy định chặt chẽ và đưa vấn đề này vào nội dung của những điều cấm trong Luật, tức là cấm đặt thêm các tiêu chí đặc thù ngoài quy định của Luật, tránh việc đấu thầu nhưng thực tế không có nhà đầu tư nào đáp ứng tiêu chí đưa ra; để đảm bảo đấu thầu công khai, minh bạch”- đại biểu kiến nghị.

Đồng thời, đại biểu đề nghị nghiên cứu, làm rõ hơn trường hợp gói thầu đã thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu là hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định thì điều chỉnh đơn giá như thế nào. Bởi thực tế vừa qua trong điều kiện bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh hoặc do một số tác động của tình hình thế giới, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng đối với các gói thầu hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định thì không được điều chỉnh, dẫn đến các nhà thầu càng làm càng lỗ, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ hoặc thậm chí phải bỏ dở dang.

Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra và nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bỏ quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư; gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn. Đồng thời, bổ sung áp dụng chỉ định thầu đối với một số gói thầu về sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao cấp tỉnh… vì nếu thực hiện theo Luật Đấu thầu sẽ rất mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Bảm đảo công khai, minh bạch trong áp dụng pháp luật về giá

Cho ý kiến về Dự án Luật Giá (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số nội dung về: nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước; bình ổn giá; định giá; kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá; thẩm định giá của Nhà nước;…

chinh.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Chính phát biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA

Theo đại biểu Hoàng Đức Chính (Đoàn Hòa Bình), Dự thảo Luật quy định “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân có ý kiến về quyết định giá hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình xin ý kiến theo quy định của pháp luật”.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, rà soát quy định trên cho phù hợp, đồng bộ với nội dung tại Điều 17 của Dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về hàng hóa dịch vụ trong trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh trình xin ý kiến.

Liên quan đến quy định về quỹ bình ổn giá, đại biểu Chính đề nghị bổ sung trong Dự thảo Luật cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các quỹ này để bảo đảm tính công khai, minh bạch của quỹ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) nhận xét, Dự thảo Luật còn quy định khá nhiều điều giao Chính phủ, Bộ, ngành quy định chi tiết, như vậy sẽ có nhiều văn bản sẽ được ban hành sau khi Luật được thông qua. Nhấn mạnh đây là luật tổ chức thực hiện ngay, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tổng kết những nội dung được quy định tại các văn bản dưới luật mà qua triển khai thực hiện thời gian qua đã ổn định để đưa vào trong Luật nhằm giảm bớt việc phải có văn bản hướng dẫn sau khi Luật ban hành.

Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đại biểu băn khoăn, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá trong khi Luật hiện hành quy định cụ thể trong Luật danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc thực hiện các quy định tại Luật hiện hành về nội dung này trong thời gian qua có gì vướng mắc, khó khăn cần thay đổi hay không, làm rõ lý do sửa nội dung này để từ đó có quy định một cách phù hợp, tránh tạo “luật khung, luật ống”, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch trong thực hiện.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) chỉ ra, quy định trong Dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm có nêu “nghiêm cấm việc lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá”. Đại biểu cho rằng, các cụm từ “điều kiện bất thường”, “bất hợp lý” mang tính định tính, chung chung, tạo khó khăn cho các chủ thể chịu sự quản lý của Luật.

Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét để quy định rõ hơn hai cụm từ này hoặc quy định về trách nhiệm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành nội dung này để tránh việc áp dụng tùy tiện hoặc khó áp dụng trong thực tiễn.

Cùng chuyên mục
Khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Đấu thầu và Luật Giá hiện hành