Khai mạc Hội thảo “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”

(BKTO) - (BKT) - Sáng 18/10, tại Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng chủ trì Hội thảo “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

sep-dung.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: THANH HÀ

Đây là một trong 3 Hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

Tham dự Hội thảo có ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; ông Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội; ông Bùi Đặng Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; bà Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Sonadezi Đồng Nai.

Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện các Đại sứ quán: Indonesia, Lào, Malaysia, Thụy Điển; đại diện Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam; cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN).

dai-bieu-s.jpg
Đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo. Ảnh: THANH HÀ

Việt Nam đã có hơn 35 năm xây dựng và phát triển các KCN CCN và 19 năm xây dựng và phát triển các KKT. Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, các KKT, KCN, CCN không ngừng phát triển, trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

Các khu KKT, KCN, CCN đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần nhận diện và xử lý để phát triển các KKT, KCN, CCN thực sự bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội thảo trước hơn 150 đại biểu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhận định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,24% khiến cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn. Điều này đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải chung tay tháo gỡ những nút thắt, tìm ra những động lực mới để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Vì vậy, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, một trong những giải pháp là phải tăng cường thúc đầy phát triển KKT, KCN, CCN, từ đó thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá.

Đến nay, sự phát triển của các KKT, KCN, CCN đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế tại nhiều vùng, địa phương. Trên cả nước đã và đang thành lập được 407 KCN, 26 KKT cửa khẩu và 18 KKT ven biển tại 61 tỉnh, thành phố; thu hút được gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD.

toan-canh-1810.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: THANH HÀ

Trong giai đoạn 2016-2020, giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của dự án trong KKT, KCN chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, các KKT, KCN đã nộp ngân sách 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng thu trong nước (không gồm dầu thô). KKT, KCN cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước.

Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, công tác đầu tư phát triển các KKT, KCN, CCN ở nước ta vẫn đang ở giai đoạn đầu, còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, cũng như chưa đạt được nhiều thành quả tương xứng.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được hiến định tại Hiến pháp 2013 và thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), KTNN đã và đang đảm đương vai trò là cơ quan độc lập, khách quan, là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, từ đó tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội và chính quyền các địa phương hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở cả tầm quốc gia và vùng và các địa phương.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết: “Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã làm rõ hơn các bất cập, hạn chế của các cơ chế, chính sách, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm khơi thông các nguồn lực cho phát triển KKT, KCN, CCN”.

"Để tiếp tục tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc, hỗ trợ phát triển KKT, KCN như một động lực quan trọng trong công cuộc thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định, Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá thực trạng khách quan, toàn diện, sâu sắc về các KKT, KCN, CCN ở nước ta và KTNN với vai trò của cơ quản kiểm tra, kiểm soát nguồn lực công sẽ cùng với các cơ quan quản lý, các tổ chức, các nhà đầu tư đưa ra những giải pháp để phát triển các KKT, KCN, CCN cũng như đảm bảo nguồn lực tài chính công, tài sản công được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả".

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng

Tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đề nghị các diễn giả, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ 2 nội dung trọng tâm.

Một là, thực trạng, giải pháp và vai trò của KTNN trong kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các KKT, KCN, CCN và đảm bảo nguồn lực tài chính công, tài sản công được quản lý, đầu tư, sử dụng đúng quy định pháp luật, phát huy hiệu quả.

Hai là, những bất cập, vướng mắc về cơ chế chính sách, những bài học kinh nghiệm trong quản lý, phát triển và những giải pháp trong công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển các KKT, KCN, CCN - một động lực quan trọng trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế…

Từ gợi mở của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng, tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; đại diện doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ có những tham luận, thảo luận tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển các KKT, KCN, CCN ở các địa phương và hệ thống các KKT, KCN, CCN trên cả nước…

Qua đó cung cấp những thông tin hữu ích, giúp các diễn giả, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý… có thêm cơ sở để phân tích, bình luận, nhận diện rõ các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển của các KKT, KCN, CCN, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời và phù hợp, giúp khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin quan trọng tại Hội thảo.

Cùng chuyên mục
Khai mạc Hội thảo “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”