Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn từ xa điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện tuyến dưới
Người dân vùng khó khănđược tiếp cận dịch vụ y tếchất lượng cao
PGS,TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) - cho biết, Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020-2025 được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, giảm quá tải bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trên, góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Với phương thức này, người dân ở vùng sâu, xa, khó khăn sẽ được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, đồng thời, giảm tối đa chi phí KCB, chi phí bảo hiểm y tế (BHYT), người dân không phải bỏ tiền túi để chi trả.
Các hoạt động chính của Đề án gồm: tư vấn từ xa, hội chẩn tư vấn KCB từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa và sử dụng Apps trong các dịch vụ y tế; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Dự kiến, có 15 bệnh viện thuộc mạng lưới bệnh viện hạt nhân theo chuyên khoa và đa khoa do Bộ Y tế chỉ định tham gia Đề án gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện E, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM; Viện Huyết học truyền máu T.Ư; Bệnh viện Xanh Pôn.
Kinh phí thực hiện Đề án chủ yếu là từ NSNN, nguồn ODA và các nguồn vốn hợp pháp. Giai đoạn 2020-2025, Đề án ưu tiên đầu tư cho 400 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện tư nhân là bệnh viện vệ tinh của 15 bệnh viện hạt nhân.
Phát huy cao nhất hiệu quảkhám, chữa bệnh
Thực tế, việc KCB từ xa đã được nhiều cơ sở y tế ứng dụng trong thời gian vừa qua, nhằm hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh hội chẩn, cứu chữa kịp thời nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo. Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã khuyến khích các cơ sở y tế đẩy mạnh việc tư vấn, KCB từ xa, KCB tại nhà; cơ sở y tế tuyến trên chịu trách nhiệm giúp cho cơ sở y tế tuyến dưới và hỗ trợ tư vấn cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, thông qua hội chẩn từ xa, hội chẩn liên viện, các bác sĩ đã đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất cho từng bệnh nhân.
Tại cuộc họp cho ý kiến về Dự thảo Đề án KCB từ xa diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, KCB từ xa không thay thế KCB truyền thống, không làm thay đổi hệ thống mà mang tính hội chẩn liên viện, hội chẩn toàn tuyến. Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị quy định rõ trách nhiệm của bệnh viện từ T.Ư tới địa phương khi triển khai Đề án KCB từ xa, từ đó, tiến tới xây dựng hệ thống khám bệnh online, khám bệnh qua thẻ bảo hiểm y tế, tin nhắn điện thoại. “Chúng ta không thể thay đổi hệ thống nhưng chúng ta đẩy công nghệ vào để phát huy một cách cao nhất hiệu quả và chất lượng KCB” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng, khó khăn lớn nhất được đặt ra trong quá trình triển khai Đề án là cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện KCB từ xa. Cùng với đó, việc chi trả cho các bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa đang gặp khó khăn, cần có chế độ, chính sách phù hợp. Đặc biệt, việc chi trả BHYT cho bệnh nhân KCB từ xa cần rõ ràng, phù hợp. Vì vậy, để Đề án sớm được triển khai trong thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Vụ BHYT khẩn trương xây dựng cấu thành giá dịch vụ y tế, kết cấu trong BHYT để rõ ràng trong việc thanh toán, chi trả chi phí KCB từ xa cho người dân.
Bài và ảnh: N.THÚY