Mở lại đường bay quốc tế: Nhiều ý kiến trái chiều

(BKTO) - Hiệp hội DN hàng không vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ để “giải cứu” DN hàng không. Đặc biệt, cơ quan này đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19. Trước đề xuất này, một số chuyên gia đồng thuận, tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng không nên vì nguy cơ dịch bùng phát mạnh.




Cần có giải pháp mạnh mẽ để “giải cứu” DN hàng không. Ảnh: V.Hoàng

Các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ USD

Từ cuối tháng 7/2020, dịch Covid-19 tiếp tục tái phát ở một số địa phương, nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột. Các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020, chuyển ngay vào giai đoạn thấp điểm của ngành hàng không. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho biết, mặc dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như: cắt giảm tổng chi phí từ 50 - 70% so với cùng kỳ năm trước; đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay... Tuy nhiên, tất cả các hãng hàng không đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế cũng mới đưa ra dự báo đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ USD trong năm nay.

Mới đây, các hãng hàng không đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 và 6 tháng đầu năm 2020 với những con số rất ảm đạm. Theo Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet Air, trong quý II/2020, doanh thu vận tải hàng không của Hãng chỉ đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ và lỗ 1.122 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hãng lỗ trong hoạt động vận tải hàng không 2.111 tỷ đồng. Riêng Bamboo Airways hiện vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên trước đó, Hãng bay này ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I/2020.

Còn với Vietnam Airlines - hãng hàng không lớn nhất cả nước - cũng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Bởi vậy, không bất ngờ khi doanh thu vận tải hàng không lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2020 của Hãng lỗ tới hơn 6.500 tỷ đồng dù đạt doanh thu gần 25.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay khi đợt bùng phát đầu tiên của dịch Covid-19 kết thúc, Vietnam Airlines ước tính sản lượng khai thác cả năm sẽ giảm khoảng 48% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng (sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, với việc Covid-19 tái xuất, có lẽ Hãng bay này sẽ phải tính toán lại sản lượng khai thác năm 2020 với con số suy giảm lớn hơn 48% rất nhiều.

Cần thiết nhưng phảiđảm bảo an toàn

Từ thực tế khó khăn mà DN hàng không đã và đang phải đối mặt, mới đây, Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ cứu DN. Đặc biệt, cơ quan này đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng, chống dịch và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.

Bày tỏ quan điểm về đề xuất này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế là điều cần thiết để “tiếp sức” cho ngành hàng không vốn đã bị “suy kiệt” rất nhiều. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta vừa phải kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Chính phủ nên xem xét đưa ra các biện pháp để từng bước khôi phục lại các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, trước khi mở lại cần phải xây dựng phương án phòng dịch, kiểm soát chặt chẽ để tránh dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Theo ông Doanh, để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong công tác phòng dịch thì cách tốt nhất là phải có sự thí điểm trước. Tức là, thời gian đầu chỉ nên mở thí điểm 1 - 2 đường bay quốc tế để xem xét, kiểm nghiệm và đúc kết kinh nghiệm. Đây cũng là lúc đánh giá năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước có đủ đáp ứng khi mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam hay không.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, chưa nên mở đường bay quốc tế thường lệ vì nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh. Thời gian qua, do nới lỏng phòng dịch và không kiểm soát tốt khách nhập cảnh nên dịch đã bùng phát lại ở Đà Nẵng. Trong khi đó, chủng virus mới lây lan nhanh, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng phát dịch trở lại nên không thể an toàn với Việt Nam nếu mở cửa hàng không lúc này. Trước mắt, nhà chức trách chỉ nên cấp phép cho các chuyến bay đưa chuyên gia, thương gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc và phải cách ly.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại cộng đồng, Bộ đã xây dựng phương án các chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam và đề nghị cho mở từ ngày 01/8/2020. Tuy nhiên, dịch Covid-19 lại bùng phát và diễn biến phức tạp nên Thủ tướng đã giao Bộ GTVT hoàn thiện lại phương án này và xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Hiện Bộ GTVT không dừng các chuyến bay thường lệ quốc tế mà chỉ chưa cho chở khách nhập cảnh vào Việt Nam do các khu cách ly tập trung ở Việt Nam hạn chế; đồng thời cũng là để sẵn sàng cho phương án cách ly của các vùng dịch.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
  • Hướng dẫn thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Để đảm bảo thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo đúng quy định hiện hành về chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) và các văn bản pháp luật liên quan, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố; BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Công an nhân dân (gọi chung là BHXH tỉnh) về việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHYT.
  • Khơi dậy trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của mỗi người dân
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt mục tiêu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, BHXH Việt Nam vừa ban hành Văn bản chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Trong đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
  • Đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2020-2021
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) trong năm học 2020-2021.
  • Số hóa ngành dược:  Tăng tính minh bạch, giảm chi phí
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ công (DVC), quản lý thuốc, quản lý cơ sở cung ứng thuốc và quản lý chứng chỉ hành nghề, ngành dược đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính. Qua đó góp phần tăng tính công khai, minh bạch, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế do cắt giảm được nhiều chi phí liên quan.
  • Đóng bảo hiểm xã hội trực tuyến: Tiết kiệm chi phí và thuận tiện cho doanh nghiệp
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Theo ước tính của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, việc thực hiện thủ tục đóng bảo hiểm cho người lao động trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ giúp tiết kiệm chi phí xã hội tối thiểu 1.300 tỷ đồng mỗi năm.
Mở lại đường bay quốc tế: Nhiều ý kiến trái chiều