Khẳng định vai trò cơ quan “gác cửa” tin cậy của Đảng

(BKTO) - Việc ra đời và quá trình phát triển của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong gần 30 năm qua thể hiện đầy đủ, sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng, được thể chế hóa thành quy định trong Hiến pháp, các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy, hoạt động của KTNN. Chủ trương, đường lối của Đảng chính là kim chỉ nam để KTNN từng bước trưởng thành, xứng đáng là cơ quan “gác cửa” đáng tin cậy của Đảng, công cụ mạnh mẽ của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng nguồn lực công.

5(1).jpg
Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015. Ảnh tư liệu

Lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế hoạt động của Kiểm toán nhà nước

KTNN được thành lập theo Nghị định số 70/CP, ngày 11/7/1994 của Chính phủ, trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập theo Luật KTNN năm 2005 và được hiến định là “cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013. Hành trình hoàn thiện, nâng tầm vị thế, địa vị pháp lý của KTNN chính là kết quả của việc thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng về KTNN tại nhiều văn kiện, nghị quyết.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng nêu: “...Xây dựng quy chế đảm bảo chi ngân sách tiết kiệm và có hiệu quả, nâng cao tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, kiềm chế bội chi. Thực hiện chế độ kiểm soát chi ngân sách và tài chính công thông qua kho bạc và Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là những quy định về phân cấp ngân sách...”. Để thực hiện được yêu cầu này, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu về thể chế để phân cấp quản lý ngân sách, song đồng thời phải “...nâng cao hiệu quả pháp lý và chất lượng kiểm toán như một công cụ mạnh của Nhà nước...”

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997, trong đó nhấn mạnh đến hoạt động của KTNN theo tinh thần: “... Đề cao vai trò của cơ quan Kiểm toán nhà nước trong việc kiểm toán mọi cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước. Cơ quan Kiểm toán báo cáo kết quả kiểm toán cho Quốc hội, Chính phủ và công bố công khai cho dân biết…”.

Theo ông Sơn Minh Thắng- nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, chủ trương trên của Đảng cho thấy vai trò, trách nhiệm của KTNN được đặt lên tầm cao mới, có trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về hoạt động của mình, đồng thời thực hiện tốt việc công khai, minh bạch kết quả kiểm toán để nhân dân biết và thực hiện quyền giám sát cộng đồng.

Năm 2006, Quốc hội ban hành Nghị quyết, trong đó nêu “...Nâng cao hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong sử dụng và quản lý ngân quỹ, ngân sách nhà nước, tạo chuyển biến rõ rệt trong kiểm soát, tăng cường công tác kiểm toán nhà nước để góp phần ngăn chặn lãng phí, thất thoát, tham nhũng tiền và tài sản nhà nước...”. Đây là bước thể chế quan trọng giúp KTNN hoàn thiện tốt hơn bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đồng thời đặt ra yêu cầu sớm phải có luật về KTNN, tạo hành lang pháp lý trong hoạt động kiểm toán.

Tiếp đó, kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: "Nghiên cứu việc bổ sung một số thiết chế độc lập như cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan bầu cử quốc gia". Hiện thực hóa chủ trương trên, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp, trong đó đã quy định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt trên chặng đường phát triển của KTNN với vị thế và vai trò ngày càng được nâng cao. Trước đó, Luật KTNN 2005 ra đời và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện năm 2015 và năm 2019. “Đây là quá trình tiếp thu, hoàn thiện, thể chế hóa quan trọng các quan điểm chỉ đạo của Đảng, xác lập ở tính pháp lý cao nhất, tạo hành lang về thể chế để KTNN phát huy tốt nhất vai trò của mình” - ông Sơn Minh Thắng nhấn mạnh.

Công cụ trọng yếu không thể thiếu trong kiểm soát, quản lý tài chính, tài sản công

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vai trò, vị thế, trách nhiệm của KTNN, trong gần 30 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động, KTNN đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt. Từ một cơ quan không có tổ chức tiền thân, đến nay KTNN đã khẳng định được tầm quan trọng trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước - là công cụ trọng yếu không thể thiếu của Đảng, Nhà nước trong kiểm soát, quản lý tài sản, tài chính công; góp phần vào việc làm lành mạnh, bền vững nền tài chính quốc gia.

Với hành lang pháp lý từng bước được hoàn thiện, những năm qua, năng lực, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động kiểm toán không ngừng được nâng cao. Điều này thể hiện rõ nhất qua những phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Quan trọng hơn, qua kiểm toán, KTNN phát hiện, cảnh báo những “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hàng nghìn văn bản pháp luật, góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách. Các thông tin, kiến nghị của KTNN ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ hoạt động giám sát, xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội, công tác chỉ đạo điều hành, quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của Chính phủ; góp phần phát hiện và ngăn chặn các hành vi làm thất thoát, lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: “Với khuôn khổ pháp lý và nghề nghiệp dần hoàn thiện, năng lực được tăng cường, hoạt động KTNN ngày càng mở rộng về quy mô, linh hoạt, đa dạng về loại hình và phương thức kiểm toán, tiến bộ về chất lượng kiểm toán. Kết quả hoạt động của KTNN thời gian qua đã tạo được niềm tin với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân”.

Để đạt được những thành quả đó, trên cơ sở chủ trương, định hướng của Đảng, trong từng giai đoạn phát triển, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của KTNN, tạo khung khổ pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp. Tổ chức bộ máy của KTNN không ngừng được củng cố và hoàn thiện, đội ngũ cán bộ kiểm toán viên nhà nước ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp theo phương châm “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng”. Khuôn khổ nghề nghiệp cho hoạt động chuyên môn của Ngành cũng ngày càng hoàn thiện với Hệ thống Chuẩn mực KTNN tiếp cận Hệ thống chuẩn mực của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và thông lệ kiểm toán trên thế giới; hệ thống các quy trình kiểm toán và các quy chế của Ngành liên tục được bổ sung…

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiệm vụ đặt ra KTNN ngày càng nặng nề. Kế thừa những thành tựu trong 30 năm qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của Đảng, KTNN sẽ tiếp tục phấn đấu để trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công trách nhiệm, uy tín và gia tăng giá trị, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

Cùng chuyên mục
Khẳng định vai trò cơ quan “gác cửa” tin cậy của Đảng