Tăng trưởng kinh Việt Nam năm 2019 có thể giảm xuống 6,7% trong năm 2019

(BKTO)- Đưa ra dự báo về mức tăng trưởng kinh Việt Nam năm 2019 có thể giảm xuống 6,7% trong năm nay, song Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cho rằng, mức tăng trưởng này cũng đủ làm cho Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.



                
   

Toàn cảnh buổi lễ công bố báo cáo

   

Cụ thể, theo báo cáo Tiêu điểm kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á mới nhất của ICAEW, trên toàn khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4,8% trong năm nay do tăng trưởng xuất khẩu đang trong tình trạng giảm, sự gia tăng bảo hộ thương mại và nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm.

Trong khi xuất khẩu tại các nền kinh tế Đông Nám Á đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh thì xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 4/2019 tính theo đô la Mỹ cao hơn 10,4% so với cùng kỳ năm 2018.
                
   

BàSian Fenner - Cố vấn kinh tế của ICAEW

   

Tuy nhiên, theo bà Sian Fenner- Cố vấn kinh tế của ICAEW đồng thời là Trưởng chuyên gia kinh tế Oxford khu vực châu Á: Một trong những rào cản thương mại lớn trong bối cảnh hiện nay, đó là Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Tổng xuất khẩu sang Trung Quốc theo giá trị gia tăng chiếm 10,3% GDP trong năm 2017, trong đó khoảng 85% được sử dụng để đáp ứng nhu cầu nội địa của Trung Quốc.

Đề cập đến động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Bà Sian Fenner cho rằng, nguồn vốn FDI và sản xuất vẫn sẽ là động lực đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay. “Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn sẽ vẫn mạnh trong trung hạn do Việt Nam gần với Trung Quốc và động lực lao động khả quan, mức lương tương đối thấp”. Mặt khác, sự tham gia của Việt Nam vào các hiệp định thương mại và các chính sách thu hút FDI cũng rất thuận lợi. Hiện trạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng đang được cải thiện.

Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam cần có những cải cách cơ cấu để giúp cải thiện khả năng kinh doanh trong nước của các DN, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực để tăng khả năng mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là viễn thông, một ngành mà Việt Nam có lợi thế so sánh. “Nhìn chung, chúng tôi dự báo GDP sẽ tăng 6,7% trong năm nay, và tăng khiêm tốn hơn trong năm 2020” - Bà Sian Fenner cho biết.
                
   

PGS,TS. Đặng Văn Thanh

   

Tại buổi lễ công bố báo cáo, các đại biểu cũng trao đổi về những thách thức ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cũng như giải pháp để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế...

Theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, thực tế, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm 2018 đạt cao nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn thấp so với những năm 90 của thế kỷ trước và quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng không cao. Đây vẫn là những vấn đề cần được lưu ý trong năm 2019. Đặc biệt là khi cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều tác động khó lường đến kinh tế Việt Nam.

Do đó, PGS,TS Đặng Văn Thanh cho rằng, từ nay đến cuối năm 2019, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội cả trong nước và quốc tế; tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở các khu vực với mục tiêu tăng trưởng các quý còn lại của năm 2019 phải cao hơn mục tiêu kịch bản đã đề ra.

Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Tăng trưởng kinh Việt Nam năm 2019 có thể giảm xuống 6,7% trong năm 2019