Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam!

(BKTO) - Chuyến tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa qua đã để lại dấu ấn quan trọng trong chương trình đối ngoại năm 2023 của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, qua đó, tiếp tục duy trì và củng cố cục diện đối ngoại hòa bình, ổn định, thuận lợi sự phát triển đất nước.

3.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với khách mời. Ảnh: TTXVN

Tự do hóa thương mại, bao trùm, hài hoà và nhân văn

Phát biểu tại nhiều phiên họp quan trọng của Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chỉ ra nhiều mâu thuẫn của kinh tế thế giới hiện nay cần giải quyết, đó là: Tăng trưởng kinh tế nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng; trong quá trình toàn cầu hóa thì xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng mạnh mẽ; khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng tầm thế giới nhưng khung khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia... Để giải quyết căn bản những mâu thuẫn này, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn ở cả ba cấp độ.

Ở phạm vi quốc gia, các chính sách phát triển kinh tế không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp (DN), mà còn nâng cao chất lượng việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động, góp phần bảo tồn môi trường sinh thái. Ở tầm khu vực và toàn cầu, hợp tác giữa các quốc gia không chỉ hướng đến cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng sạch, mà cần tạo điều kiện để các nước đang phát triển mở rộng quy mô nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển. Và cuối cùng, tại mỗi DN, triết lý kinh doanh mới là gắn kết lợi nhuận của DN với lợi ích chung của xã hội.

Để thực hiện các tư duy mới này, Chủ tịch nước cho rằng, các thành viên APEC cần cởi mở, chân thành, đối thoại có tính xây dựng; tập trung giúp các thành viên nâng cao khả năng tự chủ, sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến khích đầu tư mới vào xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy các mô hình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

“Hơn bao giờ hết, APEC cần tái khẳng định cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế quốc tế, ủng hộ một nền kinh tế thế giới mở, bao trùm và bền vững. Bảo đảm lợi ích từ thương mại được phân phối rộng khắp và bình đẳng trong xã hội. Tự do thương mại và đầu tư sẽ giúp các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nâng cao sức cạnh tranh, tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10, ngày 15/11/1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia; đánh dấu quá trình phát triển và mở rộng của Diễn đàn, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Năm 2023 đánh dấu 25 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đóng góp nổi bật của Việt Nam là những ý tưởng và đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới, đặc biệt là yêu cầu về một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn. Chủ tịch nước cũng đã có những đề xuất cụ thể đối với sứ mệnh và nhiệm vụ của APEC trong giai đoạn mới. Đó là: Duy trì và củng cố những thành tựu quan trọng về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu; hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức; tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng. “Tất cả thành viên APEC đều bày tỏ đánh giá cao những đóng góp rất thiết thực, xây dựng của Việt Nam đối với APEC trong hơn hai thập kỷ qua và khẳng định sự tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC năm 2027 của Việt Nam” - Bộ Trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin.

Cụ thể hóa Tuyên bố chung Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Triển khai các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ ngay sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong suốt hành trình chuyến công du, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm triển khai Tuyên bố chung giữa hai nước về hợp tác công nghệ cao, kinh tế xanh và kết nối địa phương là nội dung cốt lõi.

Tại cuộc đối thoại với Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ, Thông điệp Chủ tịch nước nêu ra là Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế... Về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Chủ tịch nước khẳng định: Chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay. Nhắc đến phương châm "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", Chủ tịch nước khẳng định Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tham gia buổi đối thoại, GS. Larry Bermang - tác giả của nhiều cuốn sách viết về Việt Nam - đánh giá, chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2023 và triển khai các hoạt động song phương với Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khẳng định vị trí đặc biệt của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời cho thấy sự cấp thiết của việc triển khai các cam kết của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua đã được nâng lên rõ rệt. Tuần lễ cấp cao APEC là nơi khẳng định vị thế, tầm quan trọng của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Cùng với đó là quảng bá sự phát triển, thành công của Việt Nam về mọi mặt.

Tại cuộc tiếp các DN công nghệ cao hàng đầu của Hoa Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn John Neuffer đánh giá cao lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm tới lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn và các nhà đầu tư Hoa Kỳ rất quan tâm. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá cao năng lực và các hoạt động hoạch định chính sách hiện nay của Việt Nam và hy vọng sẽ thấy tầm nhìn lớn của Việt Nam chuyển thành những bước đi cụ thể để có thể khuyến khích đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam...

Thành công của chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Tuần lễ Cấp cao APEC và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ đã thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Qua các phát biểu, các hoạt động của Chủ tịch nước, chúng ta đã truyền tải được những thông điệp quan trọng về quan điểm, cách tiếp cận của Việt Nam đối với những thách thức đang đặt ra với thế giới và khu vực, chủ trương, chính sách cụ thể trong triển khai đường lối đối ngoại. Đặc biệt, với việc lần thứ ba đăng cai APEC năm 2027, chúng ta một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược về khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là minh chứng sống động về sự tin cậy của các thành viên APEC cũng như cộng đồng quốc tế đối với vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Kể từ khi thành lập năm 1989, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với 21 nền kinh tế thành viên hiện nay, APEC đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 62% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu.

Cùng chuyên mục
Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam!