Khẳng định vị thế Việt Nam

(BKTO) - Năm 2023 với nhiều biến động, từ suy thoái kinh tế tới các cuộc xung đột địa chính trị, gây thách thức không nhỏ đối với sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới. Việt Nam giữ lập trường kiên định, luôn kề vai sát cánh với các nước, thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

ngoai-giao.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân chụp ảnh chung với các đại biểu Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: ST

Duy trì mối quan hệ hiệu quả với các cường quốc

Phát huy thế và lực mới của đất nước, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại trong năm 2023, nhất là đối ngoại cấp cao, đã diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng.

Trong năm qua, chúng ta đã tổ chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam cùng với hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương.

Trong đó, có những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden... Thành công của các chuyến thăm, hoạt động đối ngoại này đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.

Đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đánh giá về thành tựu của nền ngoại giao Việt Nam thời gian qua, trao đổi với báo chí, ông Alfredo Femat Bañuelos - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mexico, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Mexico - Việt Nam - khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn đã góp phần tô đậm vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế với tư cách là một quốc gia có nhiều đóng góp cho thế giới. Hoạt động ngoại giao hiệu quả cũng góp phần đưa hình ảnh một Việt Nam tích cực đến bạn bè 5 châu, đó là một quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc, một quốc gia có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc và một quốc gia tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Nhiều chuyên gia quốc tế cũng nhận định, một trong những đóng góp quan trọng mà ngành ngoại giao Việt Nam mang lại trong nhiều năm qua chính là cho thế giới biết đến một Việt Nam kiên định đi theo con đường chủ nghĩa xã hội cùng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng khích lệ.

Tinh thần hòa hiếu, nhân nghĩa từ trong mạch nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã vượt qua thử thách của không gian và thời gian, hòa quyện với tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Chính sách đối ngoại của Việt Nam được phát triển từ chính sách đối nội, trong đó bao gồm việc tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, duy trì đối thoại, giải quyết hòa bình những khác biệt giữa các quốc gia và quan hệ dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng đề cao ý nghĩa chính sách Ngoại giao Cây tre của Việt Nam và cho rằng, với chính sách này, Việt Nam đã rất thành công trong việc duy trì mối quan hệ hiệu quả với các cường quốc, đồng thời vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia.

Tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ với các đối tác

Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thuỷ chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.

Những kết quả to lớn đó cũng khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa tư tưởng của thế giới, hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chúng ta tự hào Việt Nam ngày nay là 1 trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam ngày nay sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế đến với một đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thông tin về phương hướng trọng tâm, định hướng của ngoại giao Việt Nam trong năm 2024, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, trên cơ sở tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành ngoại giao tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của đối ngoại, cùng các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và ngoại giao nhằm củng cố vững chắc hơn môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động tốt các nguồn lực mới từ bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Trọng tâm là phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm vừa qua, triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, đồng thời tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ với các đối tác khác nhằm mở rộng không gian phát triển mới cho đất nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân, cũng như khẳng định vai trò và vị thế mới của Việt Nam tại các diễn đàn, cơ chế đa phương có tầm quan trọng chiến lược.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã đưa ngoại giao nghị viện trở thành một kênh chính trị đối ngoại quan trọng, là nguồn sức mạnh thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia, nhất là về chính trị - ngoại giao, kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ…, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để kiểm soát đại dịch Covid-19, mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đặc biệt, ngoại giao kinh tế được triển khai rộng khắp trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và các lĩnh vực khác của ngoại giao.

“Bước sang năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục tranh thủ tốt thế và lực mới của đất nước, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm thành các chương trình, dự án hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả, nhất là về mở rộng thị trường, tiếp cận các nguồn vốn mới cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, thu hút du lịch, xuất khẩu lao động có tay nghề” - lãnh đạo Bộ ngoại giao cho biết./.

Cùng chuyên mục
Khẳng định vị thế Việt Nam