Xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của Nhân dân

(BKTO) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo ra bước đột phá.

bai-cong-minh.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp lần thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: ST

Các thế lực thù địch, thế lực xấu không ngừng bịa đặt, xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, Nhà nước cùng nhân dân Việt Nam đã và đang tiến hành. Chúng phủ nhận những kết quả mà chúng ta đã giành được, chúng cho rằng chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là hình thức, không hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, thậm chí là mị dân, lừa dối nhân dân, “càng chống thì tham nhũng càng phình to, trải rộng”.

Chúng trắng trợn vu cáo Đảng: “Tạo ra tham nhũng - Rồi chống tham nhũng - và xúm nhau khen chống tham nhũng giỏi quá! Cuối cùng nhân dân lãnh nợ”. Chúng kêu gọi, kích động phải “bỏ bớt các cơ quan của Đảng” và “Thay đổi thể chế chính trị để có thể phòng, chống tham nhũng”.

Nhưng thực tế ở Việt Nam đã bác bỏ những thông tin xấu độc trên. Nổi lên trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với kết quả toàn diện có ý nghĩa sâu sắc về mọi mặt.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo ra bước đột phá. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã khẳng định rõ quyết tâm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là: “Phải tiến hành thật kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Ai ngại đấu tranh, không làm được thì đứng sang một bên”. Chúng ta cũng thực hiện chặt chẽ phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động được sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường xuyên yêu cầu phải: “Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trực tiếp phản ánh, tố giác tham nhũng, tiêu cực, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”.

Tổng Bí thư cũng trực tiếp nhắc nhở các Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cần lập đường dây nóng hoặc phương thức phù hợp để tiếp nhận, giải quyết, xử lý kịp thời những thông tin về công tác chống tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân phản ánh, cung cấp.

Và đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện”.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đã có hơn 1.000 tổ chức đảng và gần 52.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật (tăng gấp 2 lần về số tổ chức đảng và hơn 1,5 lần về số đảng viên so với nửa nhiệm kỳ của Đại hội XII), trong số đó có 91 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý. Các cơ quan pháp luật đã kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng, khởi tố, điều tra hơn 9.000 vụ án với hơn 18.000 bị can về các tội liên quan đến tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Còn theo thông tin tại Phiên họp lần thứ 24 ngày 22/11/2023 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì từ tháng 01/2023 (Phiên họp lần thứ 23), các cơ quan chức năng đã rất cố gắng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; đã chủ động phát hiện, đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, phạm tội có tổ chức, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước.

Đồng thời, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc nổi cộm, có nhiều dư luận, liên quan đến suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập… của cán bộ, đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo kiểm tra 76 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC. Qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật 26 tổ chức đảng, 57 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (gồm: 3 nguyên Bí thư tỉnh ủy; 4 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

Cũng tính từ đầu năm đến nay, qua phát hiện từ quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các Bộ, ngành, địa phương đã chuyển 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến các cơ quan pháp luật để xử lý theo quy định.

Điều đáng chú ý là các cơ quan pháp luật đã kiên quyết, nghiêm minh trong xử lý hình sự, xét xử vắng mặt cả những đối tượng bỏ trốn, thu hồi số lượng lớn tài sản do tham nhũng, xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu trong việc để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý và tích cực thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực.

Tính từ đầu năm 2023, trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị hơn 232.000 tỷ đồng cùng nhiều tài sản có giá trị khác. Số tiền mà các cơ quan thi hành án dân sự thu được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo là 75.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ gần 50%), trong đó, riêng năm 2023 là hơn 9.000 tỷ đồng.

Những kết quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống mọi mặt và niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, đúng như Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, đã: “Để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận”. Chúng ta cũng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm thành công hết sức quý giá, trong đó: “Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể”.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi phải được tiếp tục tiến hành kiên quyết, kiên trì hơn nữa. Từ những kết quả, kinh nghiệm đạt được và yêu cầu thực tiễn đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, trong đó có mỗi người chúng ta cần giữ vững niềm tin, tích cực hưởng ứng để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của Nhân dân”./.

Cùng chuyên mục
Xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của Nhân dân