Tạo việc làm ổn định được xem là giải pháp hữu hiệu đảm bảo cuộc sống cho người lao động trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 - Ảnh: Lê Bảo |
Không tăng lương là phù hợp
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các địa phương đánh giá việc thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng, qua đó làm căn cứ đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021 theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc này nhằm đánh giá khó khăn và vướng mắc của DN cũng như những người sử dụng lao động khác trong áp dụng mức lương tối thiểu vùng và trả lương cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Trả lời câu hỏi thời điểm này có thích hợp để tăng lương tối thiểu vùng không, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH - cho rằng, trong tình hình hiện nay, mục tiêu trước mắt là bảo vệ việc làm và đảm bảo an sinh tối thiểu cho người lao động, khi tình hình khá hơn thì mới tính đến chuyện tăng lương. Vì thế, khi các DN đang khó khăn mà tăng lương trong thời điểm này sẽ là “không đúng cả về lý lẫn tình”.
Thực tế, tại Dự thảo lấy ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, việc không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp, tạo điều kiện cho DN phục hồi, người lao động duy trì việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đồng tình với đề xuất này của Bộ, trong Văn bản góp ý mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện để DN đảm bảo việc làm, không sa thải người lao động.
“DN thủy sản đang cố gắng duy trì việc làm cho hàng ngàn lao động tại các nhà máy chế biến. Nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn vẫn còn ẩn chứa nhiều bấp bênh. Công suất nhà máy cũng đã giảm đáng kể theo các đơn hàng. Chi phí sản xuất đang đội lên càng chồng chất thêm khó khăn cho các DN thủy sản” - đại diện Hiệp hội thủy sản cho biết.
Quan trọng vẫn là tạo việc làm ổn định
Thực tế, dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN trong nước phải tạm ngừng sản xuất, cho công nhân nghỉ việc hoặc giãn việc. DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa bước vào Việt Nam lên kế hoạch tìm hiểu và phát triển kinh doanh cũng phải tạm dừng lại.
Báo cáo “Một năm sau tác động của Covid-19: thách thức và cơ hội đối với các ứng viên tìm việc trong các DN Nhật Bản tại Việt Nam” do Navigos Group phát hành mới đây đã chỉ ra rằng, ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến nhiều DN mới của Nhật có kế hoạch tìm hiểu và phát triển kinh doanh tại Việt Nam đang tạm dừng lại. DN trong nước cũng nằm trong xu thế phải lựa chọn cắt giảm lao động để giảm bớt chi phí.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong quý I và II/2021, thị trường lao động Việt Nam liên tiếp hứng chịu những tác động xấu do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Tính riêng quý I/2021, cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Rõ ràng những phân tích trên cho thấy dịch Covid-19 đã tác động rất nặng nề đến DN và người lao động. Trong đó, người lao động là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là đối tượng có mức thu nhập chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, nay dưới tác động của dịch càng thêm khó khăn. Trong Báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mức lương tối thiểu vùng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.
Cụ thể, theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi đang áp dụng 2 mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc trong các DN. Trong đó, mức lương tối thiểu 3,43 triệu đồng/tháng (vùng III) được áp dụng cho người lao động làm việc tại TP. Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh. Đối với 9 huyện, thị xã còn lại trên địa bàn, tỉnh áp dụng mức lương tối thiểu 3,07 triệu đồng/tháng (vùng IV). Mức lương này nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Với thu nhập hiện tại, người lao động tại Quảng Ngãi không đủ trang trải cho các nhu cầu tối thiểu như chi phí đi lại, nhà ở, nuôi con và nhiều khoản chi phí khác.
Trước thực trạng trên, theo các chuyên gia, giải pháp cần thiết lúc này tạo việc làm ổn định cho người lao động. Giải pháp này sẽ góp phần giảm áp lực về chi phí cho DN đồng thời vẫn góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để xã hội ổn định, Chính phủ và cộng đồng DN cần tạo dựng quỹ an sinh xã hội nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những lao động bị mất việc làm. Các chính sách này không những duy trì được hoạt động sản xuất mà còn là giải pháp nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế./.