Đổi mới mô hình trường nội trú, bán trú để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giáo dục vùng cao

(BKTO) - Xác định vai trò quan trọng của hệ thống trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú, nội trú trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã không ngừng đầu tư các nguồn lực phát triển các trường. Trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện đổi mới toàn diện chất lượng GD&ĐT, việc đổi mới hệ thống các trường PTDT cũng không nằm ngoài xu thế.



Rà soát, quy hoạch lại các trường

Tại Tọa đàm về đổi mới mô hình giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2021-2030 do Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, các ý kiến tại Tọa đàm đã tập trung thảo luận, để xuất giải pháp đổi mới mô hình trường vùng cao này.

Box: Tính đến hết năm học 2019-2020, toàn quốc có 325 trường PTDT nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với 105.818 học sinh; 1.124 trường PTDT bán trú với 237.608 học sinh. Các trường PTDT đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc huy động tối đa học sinh trong độ tuổi tới trường, tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.
                
   

Tính đến hết năm học 2019-2020, toàn quốc có 325 trường PTDT nội trú ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: N.LỘC

   

Khẳng định vai trò lịch sử cũng như những kết quả to lớn mà hệ thống trường PTDT đã đạt được trong thời gian qua, đại diện Vụ Giáo dục Dân tộc cho biết, cùng với sự phát triển cũng như biến động về kinh tế - xã hội của đất nước, mô hình trường PTDT bắt đầu bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục, đổi mới để phù hợp với yêu cầu mới, cụ thể là giai đoạn 2021-2030.

Quan điểm chung trong giai đoạn này là tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống trường PTDT nội trú theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí. Các trường phải được quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra theo đúng mục tiêu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Cũng theo Vụ Giáo dục Dân tộc, đối với hệ thống trường PTDT bán trú sẽ tiếp tục củng cố, duy trì trên cơ sở phù hợp với thực tế của địa phương; đảm bảo các trường được thành lập phải phát triển ổn định, bền vững và có chất lượng. Trong đó, chú trọng tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh DTTS và các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường.
                
   

Còn nhiều điểm trường vùng cao khó khăn, chưa được đầu tư. Ảnh: N.LỘC

   

Đặt ra một số vấn đề cần củng cố để đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống trường PTDT nội trú và bán trú trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Văn Tân - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Ủy ban Dân tộc cho rằng, phải quy hoạch lại tổng thể hệ thống trường lớp tại các địa phương, quy hoạch đó nhất thiết phải đi liền với các quy hoạch khác để đảm bảo tính đồng bộ. Mục tiêu cuối cùng là phát huy vai trò của hệ thống trường này trong giai đoạn mới, gắn với lộ trình đổi mới chung của toàn ngành GD&ĐT.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư

Trong bối cảnh ngành GD&ĐT đang đẩy mạnh đổi mới, với sự tham gia của công nghệ, việc đầu tư các điều kiện cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng, nâng cao khả năng đào tạo theo hướng hiện đại cho các trường là vấn đề đang được ngành GD&ĐT đặt ra.
                
   

Cung đường đến trường quen thuộc với hầu hết giáo viên vùng cao. Ảnh: N.LỘC

   

Theo đó, bên cạnh vấn đề quy hoạch lại các trường, để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, Vụ Giáo dục Dân tộc cho rằng, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học đối với cơ sở giáo dục phổ thông vùng DTTS, mầm non đáp ứng đổi mới GD&ĐT; quan tâm bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường phổ thông vùng DTTS, miền núi; đầu tư kinh phí cho xây dựng các tài liệu, học liệu phù hợp với đặc điểm vùng, đặc điểm dân tộc.

Đánh giá tích cực về hiệu quả của hệ thống trường PTDT thời gian qua, bà Trần Thị Yên - Ban Nghiên cứu Giáo dục dân tộc gợi mở một số việc cần làm để duy trì và phát triển hệ thống này như: rà soát hệ thống văn bản để có điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đảm bảo các trường PTDT phải phát triển ổn định, bền vững và chất lượng; thực hiện tốt công tác xét duyệt học sinh bán trú, đảm bảo các em có điều kiện ăn, ở, học tập và sinh hoạt an toàn.
                
   

Cần tiếp tục quan tâm đến chính sách dành cho giáo viên vùng cao.
   Ảnh: N.LỘC

   

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục quan tâm đến chính sách dành cho giáo viên đang công tác tại các trường PTDT, bởi đây chính là nhân tố quan trọng đưa đến thành công của GD&ĐT cả nước, đặc biệt là tại khu vực miền núi có điều kiện rất khó khăn.

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đề xuất một số giải pháp, chính sách cho các trường PTDT; làm cơ sở để sửa đổi quy chế tổ chức hoạt động, từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng của mô hình trường phổ thông này, góp phần đào tạo nguồn nhân lực người DTTS có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Đổi mới mô hình trường nội trú, bán trú để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giáo dục vùng cao