Khó hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Nguồn vốn bố trí chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) còn chậm; khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ngân sách trung ương đến năm 2025 là rất khó khăn - Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành cả ngày 30/10 để giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

tc30.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Hàng trăm nghìn tỷ đồng thực hiện 3 CTMTQG

Trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, kết quả triển khai các chương trình giai đoạn này bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện.

Trong đó, CTMTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua năm 2021 có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước đã bám sát mục tiêu “gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế đến hết tháng 6/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%.

Trong khi đó, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2021 có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình từ tháng 12/2021 đến năm 2023 là 23.130,261 tỷ đồng, chiếm 30,84% tổng nguồn vốn 5 năm, trong đó chủ yếu là nguồn vốn ngân sách trung ương chiếm khoảng 95%.

ctmt.jpg
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo tóm tắt kết quả giám sát. Ảnh: VPQH

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra.

Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đến tháng 6/2023 (bao gồm cả vốn 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt 22%, ước đến tháng 9/2023 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%.

Cần có cơ chế đặc thù về vốn

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ rõ các hạn chế, bất cập trong thực hiện các CTMTQG. Đó là, các cơ quan, Bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện, nhất là việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý, nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện.

Đặc biệt, nguồn vốn bố trí chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Việc lập kế hoạch vốn, phân bổ vốn, giao vốn ngân sách trung ương chậm, đến tháng 5/2022, Chính phủ mới trình Quốc hội phân bổ vốn các chương trình. Việc lập kế hoạch xác định nhu cầu vốn, đối tượng thực hiện dự án, tiểu dự án của các địa phương, công tác thẩm định của các Bộ, ngành chưa sát thực tế; giao vốn sự nghiệp chưa có sự thống nhất…

Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả 3 chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp. “Khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ngân sách trung ương đến năm 2025 là rất khó khăn” - Phó Trưởng Đoàn giám sát Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết.

anh-thinh-3.jpg
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các CTMTQG nhằm nâng cao hiểu quả thực hiện các chương trình. Ảnh: NGUYỄN THỊNH

Những bất cập trên cũng đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ qua thực tiễn kiểm toán việc thực hiện các CTMTQG. Trong đó, kết quả kiểm toán chỉ ra, công tác ban hành văn bản triển khai các chương trình còn chậm so với yêu cầu tiến độ đã được quy định; việc triển khai Nghị định số 27/2022/NĐ-CP trên thực tế còn nhiều nội dung bất cập, khó triển khai, như: việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp trung hạn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, huy động sử dụng vốn ngân sách nhà nước và cơ chế thanh toán, quyết toán…

Đơn cử như đối với CTMTQG Xây dựng NTM, qua kiểm toán cho thấy, các địa phương không xác định được chính xác số liệu huy động vốn thực hiện Chương trình năm 2021, 2022 đối với nguồn vốn NSNN giao hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, xã. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do không dự kiến mức vốn bố trí, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động, danh mục dự án đầu tư; không có quy định cụ thể về cơ chế lồng ghép, quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn ghép; chưa xác định giải pháp huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình...

Đến 31/01/2023, vốn năm 2022 giải ngân chỉ đạt 42,49% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 54% kế hoạch, vốn sự nghiệp chỉ đạt 7,82% kế hoạch); giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 mới đạt 41,9% kế hoạch.

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tập trung vào việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các CTMTQG trên địa bàn; đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các CTMTQG để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực.

Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền; rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi như: phân bổ vốn cho các tỉnh đặc biệt khó khăn theo cơ chế đặc thù, cao hơn; có giải pháp huy động nguồn lực, xã hội hóa; phân công các tỉnh, thành phố phát triển giúp đỡ các tỉnh khó khăn thực hiện các CTMTQG…/.

Cùng chuyên mục
Khó hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia