BHXH Điện Biên: Chuyển biến tích cực sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-BCS

(BKTO) - Có thể khẳng định, sau 5 triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-BCS của Ban Cán sự đảng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH tỉnh Điện Biên đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực.

4.png
Ảnh minh họa. Nguồn: BHXH tỉnh Điện Biên

Kết quả đáng ghi nhận

5 năm qua, bám sát tinh thần Nghị quyết số 96/NQ-BCS, BHXH tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết, hơn 150 văn bản lãnh đạo chỉ đạo công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể tích cực phối hợp với BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh và cơ quan thông tin đại chúng thường trú tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT; chủ động ký kết 18 chương trình phối hợp với 17 đơn vị nhằm thực hiện tốt tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT.

Mặt khác, BHXH tỉnh Điện Biên đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-BCS; củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ truyền thông của Ngành; thực hiện tốt việc nắm bắt dư luận xã hội…

Kết quả, qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 96/NQ-BCS, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT đã có sự chuyển biến. Nội dung tuyên truyền đổi mới theo hướng phong phú, đa dạng. Hình thức truyền thông cũng có sự đổi mới, trước hết là đổi mới hình thức truyền thông trực tiếp.

Trong 5 năm, BHXH tỉnh Điện Biên đã tổ chức 2.149 Hội nghị tư vấn, đối thoại trực tiếp tại cơ sở, các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội; 544 nhóm nhỏ tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT của nhân dân. Số người tham gia BHXH, BHYT tăng từ 567.892 người (năm 2017) lên 612.617 người (9 tháng đầu năm 2022).

Mô hình tuyên truyền phát triển đối tượng kết hợp với hoạt động từ thiện thông qua hỗ trợ mức đóng thực sự có hiệu quả. BHXH tỉnh Điện Biên đã kêu gọi các nhà hảo tâm cũng như công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị quyên góp, trao tặng 742 thẻ BHYT, 45 sổ BHXH, ủng hộ 897 suất quà.

Phát huy vai trò, hiệu quả truyền thông của các cơ quan báo chí, 5 năm qua, BHXH tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Báo Điện Biên Phủ thực hiện 240 chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về BHXH, BHYT; phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng 60 chuyên mục “BHXH vì cuộc sống cộng đồng”, 48 chuyên mục phát thanh (năm 2018) được biên dịch ra 2 thứ tiếng Mông, Thái và phủ sóng đến các xã, bản.

Bên cạnh các chuyên mục cố định, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng các phóng sự, phim tài liệu, chuyên mục trên Sổ tay sinh hoạt Chi bộ, Sổ tay công tác Hội, tin, bài đảm bảo công tác truyền thông kịp thời, đa dạng, hiệu quả.

BHXH tỉnh Điện Biên cũng đã đề xuất chuyển đổi mô hình sang các hoạt động truyền thông trực tuyến, như: Phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức truyền thông trực tuyến về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; phối hợp xây dựng 17 sản phẩm truyền thông mới đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh, Facebook, Zalo…

Đặc biệt, năm 2019, BHXH tỉnh Điện Biên đã bảo vệ thành công Đề án khoa học: “Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới”. Việc vận dụng Đề án vào công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm tốt công tác tư tưởng, tạo đồng thuận trong xã hội, nâng cao và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, nhất là người lao động về chính sách pháp luật BHXH, BHYT.

5(1).jpg
Tăng cường các hình thức tuyên truyền tại cơ sở đến từng nhà dân . Ảnh: Internet

Bài học rút ra

Thông qua những kết quả đạt được, BHXH tỉnh Điện Biên đã rút ra một số bài học như sau:

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là nhân tố quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT.

Tích cực bám sát cơ sở, đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại các thôn, bản, tổ dân phố, các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội; phối hợp có hiệu quả với các tổ chức dịch vụ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng bản.

Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, kết hợp giới thiệu các mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay để người dân hiểu hơn về nghĩa vụ, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và tự giác thực hiện.

Nội dung, hình thức tuyên truyền phải đổi mới theo hướng đa dạng, chuyên nghiệp, phù hợp với từng đối tượng và đặc thù của từng địa bàn./.

Cùng chuyên mục
BHXH Điện Biên: Chuyển biến tích cực sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-BCS