Khó khăn trong đại dịch, doanh nghiệp chỉ mong an toàn, ổn định cho người lao động ngoài nước

(BKTO) - Trước tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh Covid-19, cũng giống như nhiều DN trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt XKLĐ) khác, Công ty chúng tôi cũng phải hứng chịu những khó khăn do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, trong khi nhiều DN đau đầu xoay sở những khoản chi phí bị hao hụt, điều chúng tôi mong mỏi hơn lúc này, đó là người lao động (NLĐ) được bình an, ổn định công việc và giữ niềm tin với các DN XKLĐ.



                
   

Các hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhiều người lao động đã trúng tuyển, hoàn thành thời gian đào tạo xong chưa thể xuất cảnh, gây khó khăn cho cả DN XKLĐ, đối tác và người lao động. Ảnh: Công ty Vilaco

   

Còn nhớ vào thời điểm dịch Covid-19 cơ bản được khống chế tại Việt Nam, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã cùng các DN XKLĐ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến XKLĐ sau một thời gian trì hoãn. Tuy nhiên không lâu sau đó dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở nước ta, đồng thời cũng diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến công tác XKLĐ. Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Đi đôi với việc thực hiện chỉ tiêu thì quan trọng vẫn phải bảo đảm an toàn cho NLĐ.

Áp lực đầu tiên với các DN XKLĐ, đó là việc học viên trúng tuyển, đã hoàn thành thời gian học mà chưa được xuất cảnh xin rút khỏi đơn hàng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số nhà máy tại nước ngoài cũng phải tạm đóng cửa và thực hiện cách ly theo quy định của Chính phủ nước sở tại. Tiền lương và thu nhập của NLĐ trong giai đoạn này bị giảm sút và điều kiện sinh hoạt bị ảnh hưởng.

Tại thị trường lao động nước ngoài, nhiều công ty môi giới và nghiệp đoàn phải bố trí lại thời gian làm việc giãn cách nên những phát sinh xảy ra trong nhà máy không được giải quyết kịp thời. Nhiều lao động hết hạn hợp đồng không thể về nước, gây tâm lý hoang mang cho gia đình và các học viên đã trúng tuyển chưa xuất cảnh, hoặc NLĐ đang tìm hiểu các đơn hàng. Nhiều đơn hàng thi tuyển bị sụt giảm 30 - 50% so với cùng kỳ những năm trước.

Trong khi đó, các DN vẫn phải chi trả các chi phí như: cơ sở vật chất, lương, thuế, bảo hiểm và các chi phí khác. Trước tình hình này, nhiều DN phải áp dụng các giải pháp như tạm dừng, sáp nhập đơn vị đào tạo để giảm chi phí hoạt động trong một thời gian. Tuy nhiên, bất ổn lớn nhất là vấn đề nhân sự. Do phải sắp xếp lại để thích ứng với tình hình dịch bệnh, khiến cho công tác nhân sự bị xáo trộn, không đảm bảo yêu cầu kết nối giữa NLĐ với xí nghiệp và nghiệp đoàn; giữa NLĐ với công ty XKLĐ và giữa DN với các cơ quan có liên quan.
                
   

Công ty Vilaco cũng phải hứng chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Kiến nghị ưu tiên của Công ty là cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn cho NLĐ để họ ổn định cuộc sống. Ảnh: Công ty Vilaco

   

Cũng giống như nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ khác, để thích ứng với khó khăn trong tình hình dịch bệnh, Công ty Vilaco đã thực hiện cắt giảm nhân sự, giảm thu nhập của NLĐ, song vẫn phải đảm bảo đúng chế độ, chính sách cho NLĐ. Thực hiện vai trò điều hành, quản trị DN mà phải chia cắt đội ngũ gắn bó lâu nay, đây là việc làm hết sức khó khăn, song không còn giải pháp khác.

Có thời điểm không thể đưa lao động ra nước ngoài cũng như tuyển lao động mới, song công ty vẫn phải có trách nhiệm duy trì hoạt động của bộ máy để trao đổi thường xuyên với DN và NLĐ đang làm việc tại nước ngoài nhằm đảm bảo an toàn, quyền lợi cho NLĐ. Đây chính là những khoản chi phí không thể cắt giảm.

Xác định những khó khăn hiện tại sẽ kéo dài tới hết năm 2022, khi người dân được đảm bảo tiêm vắc xin theo khuyến cáo, song Công ty vẫn tiến hành sàng lọc và tuyển chọn nhân sự để khai thác đối tác nước ngoài; tìm kiếm cơ hội việc làm cho NLĐ bằng các cách thức khác nhau, gặp gỡ và mở rộng các mối quan hệ với địa phương, duy trì hoạt động đào tạo dài hạn để nâng cao hơn nữa trình độ cho NLĐ mà không thu thêm phí; vẫn tiếp nhận và thực hiện đơn hàng từ phía nước ngoài để tìm cách duy trì hoạt động của đơn vị.

Với tất cả khả năng, DN sẽ nỗ lực hơn nữa để cải thiện tình hình, gắng gượng vượt qua khó khăn từ đại dịch. Tuy nhiên, để DN có thêm động lực cả về chính sách lẫn tinh thần vượt qua đại dịch, cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi cho NLĐ, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng, trực tiếp là cơ quan quản lý nhà nước về XKLĐ cần quan tâm giúp đỡ DN, NLĐ thông qua nhiều biện pháp, hành động thiết thực. Trong đó, hai vấn đề cấp bách cần tháo gỡ là:

Thứ nhất, đối với những NLĐ đã hết hạn hợp đồng đang bị mắc kẹt ở các nước cần được đưa về nước sớm để ổn định cuộc sống mới.

Thứ hai, đối với những lao động trúng tuyển đã học xong và chờ bay cần được ưu tiên tiêm vắc xin sớm, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 (Điều 2, Khoản 1, Mục h về Đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí “Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài”).

Hơn bao giờ hết, Công ty Vilaco cũng như nhiều DN XKLĐ khác luôn mong dịch bệnh mau chóng qua đi và các đường bay hoạt động trở lại bình thường để đưa được nhiều hợp đồng tốt về cho NLĐ Việt Nam. Còn trước mắt, DN sẽ thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch và chuẩn bị tốt các điều kiện chờ phục hồi sau đại dịch.

Bà Lưu Thị Ngọc Tuý
Giám đốc Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế Việt
Cùng chuyên mục
Khó khăn trong đại dịch, doanh nghiệp chỉ mong an toàn, ổn định cho người lao động ngoài nước