Góp trên 30% giá trị gia tăng cho nông nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, năm 2017, Bộ đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; trong đó, hỗ trợ tích cực việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; cơ khí, chế tạo; khai thác và chế biến khoáng sản, giao thông, y tế…
Nhờ đó, năm qua, KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ hai thế giới. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển theo chuỗi giá trị với sự tham gia ngày càng đông đảo của các tập đoàn, DN.
Bên cạnh đó, nhờ áp dụng KH&CN, đến nay, Việt Nam có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới sử dụng giống trong nước. Ngoài ra, tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh. Số lượng máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp tăng 1,5 - 2% so với năm 2016…
Trong năm 2018, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung vào các mặt hàng nông nghiệp chủ lực xuất khẩu; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa…
4 trụ cột, 3 đột phá cần tập trung
Mặc dù KH&CN đã giúp tăng giá trị gia tăng của nông nghiệp nhưng phát triển nông nghiệp vẫn đặt ra một số vấn đề cấp bách như: tình trạng sụt giảm phù sa ở thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long; thiên tai diễn biến phức tạp gây rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản… Điều này đòi hỏi ngành KH&CN cần có những nghiên cứu đột phá trong thời gian ngắn để khắc phục những hạn chế trên.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nông dân Việt Nam có nhiều sáng kiến giúp ích cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, thậm chí có người được gọi là “vua sáng chế”. Tuy nhiên, họ vẫn chưa được tiếp cận nhiều với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại từ cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, bên cạnh việc tư vấn người dân làm nông, cần có chương trình giúp họ tự biết tìm kiếm thông tin về thị trường, tiếp cận với công nghệ trong hoạt động sản xuất.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những hạn chế trong phát triển KH&CN. Đó là, thị trường KH&CN ở Việt Nam phát triển còn rất chậm, kết quả nghiên cứu KH&CN chưa được ứng dụng nhiều trong sản xuất, kinh doanh, chưa có nhiều sản phẩm KH&CN được thương mại hóa, phát triển KH&CN chưa thực sự gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...
Trước những thách thức đó, Thủ tướng định hướng 4 trụ cột, 3 vấn đề đột phá và những lưu ý mà ngành KH&CN cần tập trung trong thời gian tới. Cụ thể, 4 trụ cột lớn cần tập trung đổi mới là KH&CN phải góp phần vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong nông nghiệp; hoạt động đổi mới sáng tạo cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa; cần tập trung phục vụ DN ứng dụng và đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống DN ứng dụng công nghệ; KH&CN phải góp phần vào nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Thủ tướng cũng chỉ rõ 3 đột phá cần tập trung, gồm: đột phá về thể chế chính sách; đổi mới phương thức đầu tư cơ chế đặt hàng cho KH&CN; đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh những lưu ý mà Bộ KH&CN cần rà soát, triển khai hiệu quả. Đó là, chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN hiện đại đồng bộ; quan tâm, triển khai vùng kinh tế trọng điểm dựa vào KH&CN; KH&CN phải gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế tri thức và thế giới; bảo đảm sự bền vững trong hoạch định chính sách KH&CN.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 18-01-2018