Cải thiện niềm tinvào hệ thống ngân hàng
Niềm tin vào hệ thống ngân hàng đã được cải thiện qua từng chỉ tiêu mà NHNN công bố tại cuộc họp báo ngày 08/01. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán cả năm 2017 tăng khoảng 16%, sát với định hướng đề ra khoảng 16 - 18% từ đầu năm. Trong năm qua, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến ngày 31/12/2017, tín dụng tăng 18,2%. Đáng chú ý, tín dụng đã tăng trưởng đều trong năm chứ không tăng dồn vào cuối năm như trước đây. Cơ cấu tín dụng có sự dịch chuyển rõ nét, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ). Tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực, điển hình là tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp ưu tiên đều tăng khoảng 22%... Nhờ được kiểm soát, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán đã tăng chậm lại.
Cùng với đó, thanh khoản thị trường luôn thông suốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế. Đến nay, dự trữ ngoại hối đã lên tới xấp xỉ 52,5 tỷ USD, góp phần tạo dựng niềm tin vào nền kinh tế trong nước cho các nhà đầu tư. Thị trường ngoại tệ ổn định, tỷ giá đã được điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường và phù hợp với mục tiêu điều hành vĩ mô của Chính phủ.
Năm qua, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng từng bước được hoàn thiện. Minh chứng là, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (có hiệu lực từ ngày 15/01/2018).
Ngay sau đó, NHNN đã có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, quán triệt các TCTD xây dựng lộ trình cơ cấu lại cũng như có phương án xử lý nợ xấu, đảm bảo thực hiện mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Mục tiêu xuyên suốt là kiểm soát bất ổn, rủi ro, đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Với những kết quả trên, hệ thống ngân hàng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Cuối tháng 10/2017, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Theo công bố của The Asian Banker mới đây, 15 ngân hàng thương mại của Việt Nam đã lọt vào danh sách 500 ngân hàng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn hãng tin Bloomberg (Mỹ) đánh giá, đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á, hệ thống ngân hàng đang tăng trưởng trở lại.
Nhiều ngân hàng hoạt động ổn định, đạt lợi nhuận cao
Việc điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ đã tạo thuận lợi cho các TCTD hoạt động ổn định, cải thiện tình hình kinh doanh. Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) công bố mới đây cho biết, 85,5% TCTD nhận định tình hình kinh doanh năm 2017 cải thiện hơn so với năm 2016, trong đó 31,3% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.
Bình quân kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2017 của toàn hệ thống ước tính ở mức 15,9%, cao hơn so với mức bình quân kỳ vọng tại cùng kỳ năm trước (8,3%). Kết quả điều tra còn chỉ rõ, TCTD tỏ ra lạc quan hơn về mức độ tín nhiệm của khách hàng. Đồng thời, các TCTD nhận định, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái “tốt” đối với cả Việt Nam đồng và ngoại tệ; tín dụng, huy động vốn tăng trưởng ổn định. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng ổn định trong năm 2017.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh mà một số ngân hàng công bố mới đây cũng góp phần khẳng định các TCTD đã có một năm hoạt động ổn định, tăng trưởng tốt. Điển hình là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra tại Đại hội đồng cổ đông. Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của BIDV vượt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2016, duy trì vị thế ngân hàng TMCP có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Một ví dụ khác, Ngân hàng TMCP Ngoại thương lần đầu tiên thiết lập mốc lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. Không chỉ riêng 2 ngân hàng này, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2017 khá khả quan với lợi nhuận sau thuế của hệ thống ước tăng 44,5% so với năm trước.
“Những kết quả tích cực trên đã tạo niềm tin và cơ sở để năm 2018, NHNN tiếp tục kiên định thực thi công cụ điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và hoạt động trên thị trường ngoại tệ, góp phần vào việc thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra cũng như mục tiêu điều hành của NHNN là đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý”- Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định.
NGỌC MAI
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 11-01-2018