Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN và toàn thể công chức, người lao động của KTNN khu vực I.
Báo cáo kết quả công tác năm 2023, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Bùi Thanh Lâm cho biết: Tính đến ngày 30/11/2023, đơn vị đã hoàn thành 8/8 cuộc kiểm toán được giao, phát hành 03 Báo cáo kiểm toán theo quy định; tham gia ý kiến về dự toán ngân sách năm 2024 của 05 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo sự phân công của Tổng KTNN.
Công tác kiểm toán đã đảm bảo bám sát và thực hiện theo đúng quy định của Luật KTNN, các quy trình, chuẩn mực, nội quy, quy chế của Ngành; công tác kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán được theo dõi thường xuyên, liên tục. KTNN khu vực I đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra việc thực hiện kiến nghị đối với 15 cuộc kiểm toán (năm 2022 và trước đó).
Đơn vị chú trọng kiểm soát chất lượng kiểm toán, thành lập các Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với các Đoàn kiểm toán theo Quy chế của KTNN. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm siết chặt kỷ cương, đạo đức công vụ, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán và nâng cao chất lượng kiểm toán.
KTNN khu vực I tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các cẩm nang kinh nghiệm kiểm toán để phục vụ cho công tác kiểm toán, đào tạo, nâng cao chất lượng kiểm toán như: Các tài liệu Hướng dẫn kiểm toán các lĩnh vực thu, chi thường xuyên, chi đầu tư; Hướng dẫn kiểm toán hoạt động sự nghiệp kinh tế của địa phương để áp dụng cho các cuộc kiểm toán năm 2023. Phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để tăng cường mối quan hệ công tác giữa KTNN với các địa phương cũng như thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, trong tháng 11/2023, KTNN khu vực I phối hợp tốt với Thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam để rà soát, sửa đổi bổ sung Quy chế phối hợp và tổ chức Hội nghị ký kết Quy chế phối hợp giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố.
Triển khai công tác năm 2024, KTNN khu vực I quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, trọng tâm là: Hoàn thành 100% kế hoạch kiểm toán năm 2024 và các nhiệm vụ được Tổng KTNN giao đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng với kế hoạch kiểm toán. Tham gia cùng Vụ Tổng hợp chuẩn bị ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của các địa phương thuộc phạm vi kiểm toán được giao.
Nâng cao ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, siết chặt kỷ cương trong mọi hoạt động nhất là hoạt động kiểm toán; giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán tới thực thi công vụ của địa phương, đơn vị được kiểm toán.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian kiểm toán; gia tăng hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; tăng cường các biện pháp kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng; tiếp tục phát hành báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương kịp thời phục vụ HĐND các tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán.
Để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trên cơ sở các bài học kinh nghiệm đã đúc kết, KTNN khu vực I sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tiếp tục nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của từng cấp quản lý thông qua việc bám sát thực tế hoạt động kiểm toán. Đồng thời, gắn trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán với kết quả nhiệm vụ được giao với từng lĩnh vực, từng cuộc kiểm toán.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng thẩm định, kiểm soát của Phòng Tổng hợp, Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán, các tổ kiểm tra, thanh tra nội bộ; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp đối với toàn thể đội ngũ kiểm toán viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm kiểm toán; phối hợp với các đơn vị trong Ngành và HĐND các tỉnh, thành phố trên tinh thần của Quy chế phối hợp đã ký kết để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo tổng kết năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của KTNN khu vực I. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất, thời gian tới, KTNN khu vực I tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phối hợp với các địa phương trong việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán và bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ kiểm toán viên.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh chúc mừng và biểu dương những nỗ lực, thành quả mà KTNN khu vực I đạt được trong năm qua trên tất cả các mặt công tác. Đồng thời, nhất trí cao với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 8 giải pháp mà KTNN khu vực I đề ra trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Trên cơ sở đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh, năm 2024, KTNN khu vực I tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán theo hướng “gọn nhưng phải tinh”. Theo đó, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị phải sát sao trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị được kiểm toán để tránh trùng lắp trong thanh tra, kiểm toán.
KTNN khu vực I là đơn vị có đội ngũ nhân lực đồng đều về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, thời gian tới, lãnh đạo KTNN khu vực I cần quan tâm, khơi dậy nhiệt huyết, hăng say gắn bó với Ngành, nghề của đội ngũ công chức, kiểm toán viên. Cùng với đó, tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán.
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục nâng cao đạo đức công vụ, đề cao tính gương mẫu, tiên phong từ cấp lãnh đạo đến từng đảng viên, công chức, kiểm toán viên; tự học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, uy tín và đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của KTNN.
KTNN khu vực I hiện có 101 công chức và người lao động, trong đó có 92 công chức, kiểm toán viên. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ công chức ngày càng được nâng cao, tỷ lệ công chức có học vị thạc sĩ, tiến sĩ chiếm 65%, nhiều công chức có từ 2-3 bằng đại học thuộc các khối ngành khác nhau.