Khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân, mở rộng không gian tăng trưởng

(BKTO) - Đầu tư tư nhân có vai trò rất quan trọng, tác động đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, nguồn lực này cần được khơi thông một cách mạnh mẽ để góp phần đảm bảo giữ nhịp tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

11.jpg
Đầu tư tư nhân phát triển sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ảnh minh họa

Đầu tư của khu vực tư nhân vẫn còn hạn chế

Đầu tư của khu vực tư nhân thường chiếm khoảng 55-60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, khu vực này phát triển sẽ tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay đầu tư của khu vực tư nhân vẫn còn khá hạn chế. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 1.451.300 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 392.100 tỷ đồng, chiếm 27% tổng vốn và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 799.600 tỷ đồng, chiếm 55,1% và tăng 6,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 259.600 tỷ đồng, chiếm 17,9% và tăng 10,3%. Như vậy, mức tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực tư nhân vượt khu vực nhà nước, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách khá xa so với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trước đó, quý I/2024, mức tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực tư nhân thấp nhất trong 3 khu vực, chỉ tăng 4,2%; bước sang quý II, dòng vốn này mới dần có sự cải thiện, với mức tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bình luận về thực trạng đầu tư của khu vực tư nhân, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho biết, trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân khá cao, thường ở mức hai con số. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chậm lại của dòng vốn này trong nửa đầu năm 2024 cho thấy các doanh nghiệp (DN) tư nhân còn rất e dè, thận trọng trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư mới các dự án. Thậm chí, có những thời điểm số DN rút lui khỏi thị trường cao gấp 2 lần số DN gia nhập thị trường. Nhìn nhận về nguyên nhân, theo ông Lực, các DN vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình hoạt động, phát triển. Cụ thể là, môi trường kinh doanh còn thiếu thuận lợi do những vướng mắc, bất cập trong các cơ chế chính sách, quy định pháp luật chậm được tháo gỡ, hệ thống pháp luật còn có những quy định không cụ thể, không rõ ràng, thậm chí là chồng chéo, mâu thuẫn với nhau; cùng với đó, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, DN còn gặp nhiều “gian nan” khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính…, tất cả đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động đầu tư của DN.

Chỉ ra thêm “lực cản”, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, những biến động về môi trường pháp lý, sự thay đổi chính sách của Nhà nước cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh của DN. Theo ông Tuấn, rủi ro pháp lý gồm hai loại chính là rủi ro ban hành pháp luật và rủi ro thực thi pháp luật của Nhà nước. Trong đó, rủi ro ban hành pháp luật là sự thay đổi chính sách và pháp luật thành văn; còn rủi ro thực thi pháp luật là sự thay đổi cách thức thi hành pháp luật hay sự áp dụng pháp luật không nhất quán của các cơ quan quản lý nhà nước. “Rủi ro pháp lý đối với hoạt động đầu tư kinh doanh vô cùng đa dạng, trong khi đó, phần lớn DN khó có thể dự đoán được sự thay đổi của quy định pháp luật, từ đó ảnh hưởng đến việc ra quyết định đầu tư của DN” - ông Tuấn nói.

Tạo môi trường thông thoáng cho tư nhân hứng khởi đầu tư

Năm 2024, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6,5-7%, theo các chuyên gia đây là một mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi cần phát huy đồng bộ các động lực tăng trưởng đến từ các khu vực trong nền kinh tế; trong đó khu vực kinh tế tư nhân - bộ phận đóng góp khoảng 50% GDP cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Sự phát triển ổn định của dòng vốn đầu tư tư nhân cũng là nền tảng quan trọng để góp phần đảm bảo nền kinh tế đạt được sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%.

Đưa khuyến nghị về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần phải nỗ lực tối đa đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí, thủ tục hành chính cho DN. Đồng thời, cần tiếp tục tháo gỡ rào cản pháp lý đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, cũng như nâng cao tính minh bạch, rõ ràng của các quy định pháp luật, nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh, sự an toàn trong quá trình đầu tư của DN. Đi kèm với nâng cao chất lượng quy định pháp luật, cần chú trọng việc thực thi pháp luật. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng, bởi cộng đồng DN luôn cần một môi trường pháp lý thuận lợi, có tính ổn định, có khả năng dự đoán trước khi quyết định đầu tư. Nếu môi trường pháp luật không ổn định, khó dự đoán tức là rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với việc DN sẽ e dè, thận trọng hơn khi quyết định đầu tư.

Nhấn mạnh đầu tư công có vai trò là “đòn bẩy” kích thích, dẫn dắt đầu tư tư nhân, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam đề xuất, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thông qua việc sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đang tồn tại trên thực tế trong việc thực hiện cơ chế này, từ đó tạo thuận lợi để khu vực công - tư có thể “bắt tay” nhau hợp tác đầu tư một cách hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước. “Trong giai đoạn sắp tới, vốn đầu tư công sẽ ngày càng giảm dần khi so sánh với quy mô ngày một tăng của nền kinh tế và sẽ có rất nhiều lĩnh vực cần đầu tư mà đầu tư công không thể đáp ứng được hay đầu tư công không nên làm mà phải dành cho đầu tư tư nhân. Do đó, nếu đầu tư công phát huy tốt vai trò “vốn mồi” kích thích, dẫn dắt đầu tư tư nhân, một mặt sẽ giúp ngân sách nhà nước giảm bớt gánh nặng về đầu tư hạ tầng, dành nguồn lực đó cho các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế, mặt khác khu vực tư nhân lại có thêm không gian để phát triển” - TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
  • Dự báo đúng tình hình, có giải pháp đột phá trong phòng, chống tham nhũng
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Nhận định tình hình tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa thực sự phát huy hiệu quả, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân, dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá, hiệu quả.
  • Bài 3: Từng bước kết thúc việc thực hiện chính sách tài khoá mở rộng
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Chia sẻ với Báo Kiểm toán, ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, việc xem xét để từng bước kết thúc thực hiện chính sách tài khoá mở rộng là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập do chính sách tạo ra, qua đó kết thúc vai trò lịch sử của chính sách này vào thời điểm thích hợp.
  • Sửa Luật Đầu tư công nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
    2 tháng trước Kinh tế
    “Khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với mục tiêu xây dựng công nghiệp hiện đại đến năm 2030, nhất là chính sách, pháp luật về đầu tư công…” - Đó là yêu cầu của Bộ Chính trị Tại Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/02/2024.
  • Ngân hàng không quay lưng với doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do bão lũ
    2 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ trên nhiều mặt, không quay lưng với khách hàng trong thời điểm khó khăn này - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh tại buổi làm với các tổ chức tín dụng ngày 18/9.
  • Bổ sung hơn 424 tỷ đồng để Bộ Y tế thực hiện tiêm chủng mở rộng
    2 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1000/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng.
Khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân, mở rộng không gian tăng trưởng