Sửa Luật Đầu tư công nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

“Khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với mục tiêu xây dựng công nghiệp hiện đại đến năm 2030, nhất là chính sách, pháp luật về đầu tư công…” - Đó là yêu cầu của Bộ Chính trị Tại Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/02/2024.

12(1).jpg
Cần sửa Luật Đầu tư công để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ảnh minh họa

Nhiều bất cập, vướng mắc nảy sinh

Luật Đầu tư công năm 2019 được Quốc hội thông qua đã quy định nhiều nội dung mang tính cải cách, đột phá, trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, chuyển đổi phương thức đầu tư công từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và các cấp, các ngành có liên quan. Đặc biệt, Luật giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lớn nhất liên quan đến xây dựng kế hoạch đầu tư công về vấn đề “con gà - quả trứng” - vốn có trước hay dự án có trước. Việc triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2021-2025 cũng đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên cho các đột phá chiến lược… Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai Luật cũng bộc lộ nhiều bất cập - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thứ nhất, việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai KHĐTCTH.

Thứ hai, một số nội dung của Luật còn chồng chéo, chưa quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu khác nhau, gây lúng túng cho các Bộ, cơ quan và địa phương như các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, định nghĩa nợ đọng xây dựng cơ bản, phạm vi dự án sử dụng vốn đầu tư công và nhiệm vụ sử dụng chi thường xuyên, quy định về thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư…

Thứ ba, một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 như việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện trong một số trường hợp còn chậm; chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án chưa bảo đảm yêu cầu; việc phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án còn mang tính hình thức; việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm và thực hiện nhiều lần; việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài còn nhiều vướng mắc; khó khăn trong giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết kịp thời, thủ tục đấu thầu kéo dài…

Hơn nữa, bối cảnh mới đặt ra yêu cầu phải đa dạng hóa các hình thức quản lý dự án đầu tư công nhằm tối ưu hóa, tận dụng tối đa năng lực quản lý, nguồn lực của địa phương và các thành phần kinh tế khác… Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư công năm 2019 nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, cũng như phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KHĐT đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV theo quy trình 1 kỳ họp. Nếu được thông qua, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 sẽ rất kịp thời trong việc xây dựng KHĐTCTH giai đoạn tới.

Một nội dung dự kiến rất quan trọng là quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia được nâng từ 30.000 tỷ đồng trở lên; dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C tăng lên 2 lần. Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu Bộ, cơ quan TW quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; còn dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý…

Sửa đổi Luật tập trung vào 5 nhóm chính sách

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này hướng tới 5 nhóm chính sách, trong đó: Nhóm chính sách thứ nhất là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của TW Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư công; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thí điểm để mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng.

Nhóm chính sách thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy hơn nữa sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan TW và địa phương; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện các dự án đầu tư công của địa phương để đáp ứng yêu cầu thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Dẫn thông tin cụ thể về nhóm chính sách này, ông Nguyễn Đức Tâm - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KHĐT) cho biết, dự kiến sẽ phân cấp thẩm quyền từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sử dụng nguồn vốn dự phòng chung ngân sách trung ương (NSTW); tăng thu, tiết kiệm chi NSTW; các khoản vốn NSTW chưa phân bổ trong KHĐTCTH.

Nhóm chính sách thứ ba là nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước nhằm đa dạng hóa, mở rộng chủ thể quản lý và thực hiện dự án đầu tư công; khai thác năng lực đề xuất, quản lý, thực hiện dự án, nguồn lực của các địa phương và các thành phần kinh tế khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có, tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án.

Nhóm chính sách thứ tư là thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong xây dựng, thực hiện kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phù hợp với tính chất đặc thù của nguồn vốn này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Đồng thời, bổ sung một Chương riêng quy định về vốn nước ngoài.

Nhóm chính sách thứ năm là đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định; bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để xử lý một số vấn đề phát sinh nhưng chưa được quy định cụ thể; sửa đổi, bổ sung một số quy định để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Cùng chuyên mục
Sửa Luật Đầu tư công nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn