Không để các hộ nghèo tiếp cận với hoạt động tín dụng đen

(BKTO) - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng tại cuộc họp giao ban quý I/2024 của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) tỉnh Bắc Kạn mới đây.

bac-kan.jpg
 Bắc Kạn: Không để các hộ nghèo tiếp cận với hoạt động tín dụng đen. Ảnh sưu tầm

Theo báo cáo tại cuộc họp, hết quý I, tổng nguồn vốn toàn tỉnh Bắc Kạn huy động được 3.323,8 tỷ đồng, tăng 25,9 tỷ đồng so với ngày 31/12/2023, tốc độ tăng trưởng 0,79%. Tổng dư nợ là 3.316,9 tỷ đồng, tăng 24,7 tỷ đồng so với ngày 31/12/2023, tốc độ tăng trưởng 0,75%, hoàn thành 26,2% chỉ tiêu các chương trình tín dụng được giao. Tổng dư nợ quá hạn, dư nợ khoanh 5,5 tỷ đồng, tăng 375 triệu đồng so với 31/12/2023, tỷ lệ 0,17%.

Nguồn vốn tập trung giải ngân một số chương trình cho vay đối với hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm; học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng và cải tạo công trình nước sạch, công trình vệ sinh.

Nguồn vốn còn góp phần tạo việc làm cho lao động. Lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng. Vốn chính sách còn hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để sửa chữa, xây mới nhà để ở…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Duy Hưng đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, khuyến khích các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, không để các hộ trên tiếp cận với hoạt động tín dụng đen.

Cùng với đó, thực hiện rà soát, xác minh, làm sạch thông tin công dân là khách hàng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH để hạn chế tình trạng nợ xấu; phối hợp với ngành Công an thực hiện công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn và lãi tồn đọng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở; kịp thời tiếp nhận phản ánh nhu cầu và các kiến nghị của nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội đến các cơ quan có thẩm quyền.../.

Cùng chuyên mục
Không để các hộ nghèo tiếp cận với hoạt động tín dụng đen