Không để dịch bệnh làm gián đoạn đào tạo, đánh mất cơ hội việc làm của người lao động

(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng giống nhiều lĩnh vực khác phải hứng chịu tác động xấu, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, toàn ngành vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung các giải pháp để đảm bảo công tác đào tạo với tinh thần: Không để dịch bệnh làm gián đoạn đào tạo, đánh mất cơ hội việc làm của người lao động.



Khó khăn bủa vây giáo dục nghề nghiệp

TạiHội nghị trực tuyến Sơ kếtcông tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của ngànhGDNN do Tổng cục GDNN tổ chức ngày 20/7,Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá: Trong 6 tháng đầu năm 2021, lĩnh vực GDNN đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại, trong đó chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại.
                
   

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của ngành GDNN được tổ chức theo hình thức trực tuyến

   

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm cả nước chỉ tuyển được 645.000 người (đạt 27,2% kế hoạch năm 2021, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó: trình độ trung cấp, cao đẳng là 45.000 người (đạt 7.5% kế hoạch), trình độ sơ cấp và các chương trình GDNN khác là 600.000 người (đạt 34% kế hoạch). Số lao động nông thôn được đào tạo là 350.000 người, trong đó số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 40.000 người.

Về nguyên nhân khiến tỷ lệ tuyển sinh đạt thấp, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN lý giải: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở GDNN khó tiếp cận với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp, hình thức tuyển sinh trực tuyến chưa thu hút được nhiều người tham gia. Đồng thời, 06 tháng đầu năm không phải là thời điểm tuyển sinh/mùa tuyển sinh của GDNN vì thời điểm này chưa kết thúc năm học của giáo dục phổ thông và chưa qua kỳ thi tuyển sinh đại học, do đó tuyển sinh GDNN chỉ thực sự bắt đầu cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phê duyệt; đa số các địa phương chưa tự cân đối ngân sách nên việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo gặp khó khăn...

Từ thực tế tại địa phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai Hoàng Quang Đạt chia sẻ, Trường vừa được sáp nhập từ nhiều đơn vị trường khác nhau. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động tuyển sinh, đào tạo gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh nhà trường không thể học tập trung. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đào tạo nghề, bởi phải có thực hành thì học sinh mới nâng cao được tay nghề.

Không để mất cơ hội của người lao động

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, song với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, hướng đến người lao động làm trung tâm, Tổng cục GDNN đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm bớt khó khăn do dịch bệnh, trọng tâm là chỉ đạo hệ thống GDNN ứng phó với dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới tuyển sinh và hình thức đào tạo phù hợp với bối cảnh mới... Đáng chú ý, Tổng cục đã đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của GDNN; tăng cường các hoạt động truyền thông, phản ánh kịp thời các sự kiện, vấn đề được dư luận quan tâm như vấn đề dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN, xây dựng chiến lược GDNN... qua đó từng bước nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của học nghề, kỹ năng nghề.

Đáng chú ý, ứng dụng công nghệ để hỗ trợ đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh được coi là giải pháp khả thi và phù hợp được Tổng cục GDNN chú trọng. Một số cơ sở GDNN tích cực triển khai áp dụng, bước đầu mang lại kết quả thiết thực.
                
   

Ngành GDNN cần nỗ lực tìm giải pháp để khắc phục khó khăn, không làm gián đoạn việc đào tạo. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Theo ông Đồng Văn Ngọc, trong bối cảnh việc đào tạo cho học sinh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các trường cần tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học nghề. Đặc biệt, cần huy động các trường dạy nghề lớn tham gia mạng lưới cùng nghiên cứu, chia sẻ dữ liệu dạy và học.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong hệ thống GDNN; đề xuất những sáng kiến, ý tưởng và giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, đảm bảo "mục tiêu kép" mà Chính phủ đề ra. Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bối cảnh khó khăn do dịch bệnh ảnh hưởng chung đến mọi mặt của đời sống xã hội, song không vì thế mà ngành GDNN để gián đoạn trong đào tạo, đánh mất cơ hội việc làm trong tương lai của người lao động.

Theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, xác định dịch bệnh có thể còn kéo dài, do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của GDNN trong những tháng còn lại của năm, đó là tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, năng lực phân tích, dự báo, chủ động trong điều hành; kiên trì thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo, phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao đầu năm. Tiếp tục hướng dẫn các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo trực tuyến 2 môn học chung là Tin học và Ngoại ngữ.

Đặc biệt, ông Trương Anh Dũng cũng đề nghị các cơ sở GDNN cần chú trọng đến mô hình đào tạo trực tuyến, kết hợp với trực tiếp. Đây không chỉ là giải pháp khả thi trong bối cảnh dịch bệnh, mà còn có hiệu quả, hữu ích về lâu dài mà các trường cần phải học tập kinh nghiệm để áp dụng.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Không để dịch bệnh làm gián đoạn đào tạo, đánh mất cơ hội việc làm của người lao động