Không để doanh nghiệp lâm sản, thủy sản thiếu vốn

(BKTO) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) cần có những chính sách khẩn cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lâm sản, không để các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất và bị phá sản.

lam-san-thuy-san.jpg
Đến ngày 16/5, dư nợ tín dụng thủy sản đạt 211.667 tỷ đồng, tăng 1,09% so với cuối năm 2022. Ảnh: Internet

Theo báo cáo của NHNN, đến ngày 16/5/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2022 và tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2022.

Dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với cuối năm 2022 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (trong đó có lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp) đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 1,82% so với cuối năm 2022, chiếm gần 25% so với dư nợ toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng thủy sản đạt 211.667 tỷ đồng, tăng 1,09% so với cuối năm 2022, chiếm 7% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn. Dư nợ tín dụng lâm nghiệp đạt 189.010 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2022, chiếm 6% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản định hướng chỉ đạo NHNN nghiên cứu để đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại buổi làm việc với các NHTM, một số Bộ, ngành, hiệp hội mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các NHTM nhà nước hay NHTM cổ phần đều phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn nói chung, cũng như cần có những chính sách khẩn cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp hai ngành nghề này giữ vững được thị trường, thị phần, không để cho doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất và bị phá sản.

Đối với đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản, Phó Thống đốc cho rằng, nếu so với dư nợ tín dụng của hai lĩnh vực lâm sản, thủy sản, gói tín dụng này là quá nhỏ và không giải quyết hết được những khó khăn hiện nay. Theo Phó Thống đốc, phải đặt ra cơ chế để hỗ trợ xử lý, khắc phục ngay chứ không đặt ra câu chuyện giới hạn ở con số 10.000 tỷ đồng, để làm sao duy trì hoạt động cho các doanh nghiệp trong hai lĩnh vực này.

Phó Thống đốc cũng đề nghị các NHTM cố gắng duy trì hạn mức đã cấp cho các doanh nghiệp, không cắt giảm hạn mức đối với hai lĩnh vực này. Trường hợp thiếu hạn mức tín dụng đối với hai lĩnh vực này, TCTD báo lại NHNN để có điều chỉnh.

Về vấn đề hạ lãi suất và phí, NHNN đã giảm lãi suất điều hành, thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng cân nhắc giảm thêm một số loại phí cho doanh nghiệp…

Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN; tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung và chương trình, chính sách tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

Cùng chuyên mục
Không để doanh nghiệp lâm sản, thủy sản thiếu vốn