Không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu

(BKTO) - Sáng 27/6, sau khi kiểm tra, động viên, đôn đốc công tác phòng chống dịch và sản xuất kinh tại một số cơ sở, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.



                
   

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: VGP

   

Các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản kịp thời và đúng hướng

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết, trong đợt bùng phát dịch thứ tư, tới nay, Bình Dương có 221 ca mắc, trong đó có 9 ca trong khu công nghiệp (KCN). Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Bình Dương đã nghiêm túc chống dịch với các giải pháp trực chiến cao nhất; siết chặt quản lý đối với các địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg, 16/CT-TTg và các khu vực phong tỏa. Đến nay, hơn 85% các DN thực hiện đánh giá mức độ an toàn dịch bệnh.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2021, việc thực hiện “mục tiêu kép” của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phần lớn các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát, tỉnh đang tập trung các giải pháp ngăn chặn dịch lây lan vào các KCN. GRDP 6 tháng ước tăng 7,23%, xuất khẩu tăng hơn 47%, sản xuất công nghiệp tăng 8,23%, thu ngân sách tăng 23%. Thu hút vốn FDI đạt 1,4 tỷ USD, tăng 65%. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính năm 2020 thuộc nhóm rất tốt, đứng thứ 4 cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch cơ bản kịp thời và đúng hướng. Tỉnh cần đặc biệt quan tâm, hết sức lưu ý, ưu tiên hàng đầu việc phòng chống dịch tại các KCN và cho công nhân. Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về phòng chống dịch tại các KCN cho các tình huống chưa có dịch, khi dịch xuất hiện và lây lan. Bộ trưởng đề nghị tỉnh và các DN phải có kịch bản hết sức cụ thể để phòng chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh rút kinh nghiệm từ Bắc Ninh, Bắc Giang trong thực hiện mục tiêu kép, chú ý tổ chức quản lý tốt các KCN, các khu nhà trọ, giãn cách sản xuất tại các nhà máy. “Bình Dương có đóng góp rất lớn cho cả nước về sản xuất công nghiệp, do đó, trọng tâm lớn nhất là phải bảo đảm an toàn cho các KCN, không để đứt gãy sản xuất”- Phó Thủ tướng phát biểu.

Không để bùng phát dịch trong khu công nghiệp

Thủ tướng đánh giá cao kết quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương. Tỉnh vẫn kiểm soát được dịch bệnh, đạt tăng trưởng kinh tế trên 7%, thu ngân sách hơn 60%. Tuy nhiên, tỉnh còn xuất hiện một số ca nhiễm, chùm ca nhiễm chưa rõ nguồn lây, khó kiểm soát, dễ lây lan; chưa có phương án cụ thể phòng chống dịch trong các KCN. Giải ngân đầu tư công mới đạt 18% kế hoạch cả năm.

Dự báo, tình hình sắp tới dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị từ nay tới cuối năm, nhất là phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải bám sát tình hình để xây dựng kịch bản, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả. Lưu ý không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu để đứt gãy sẽ rất khó khôi phục.

Mục tiêu cho thời gian sắp tới là phải chống dịch hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi, không để bùng phát dịch trong KCN. Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống người dân năm sau tốt hơn năm trước. Kết thúc tốt đẹp năm học và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia hiệu quả, an toàn, đúng quy định.

Theo Thủ tướng, Bình Dương cần hết sức chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện mục tiêu kép. Thực hiện nghiêm chiến lược “5K+vaccine” và ứng dụng công nghệ rộng rãi. Quản lý chặt chẽ các khu cách ly, cơ sở điều trị, không để lây nhiễm chéo và lây lan ra bên ngoài. Thực hiện phong tỏa, giãn cách trên địa bàn phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, không cực đoan.

Cùng với đó, Bình Dương cần đẩy mạnh xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện F0, khẩn trương khoanh vùng, cách ly mầm bệnh ra khỏi cộng đồng. Các DN nâng công suất sản xuất các test nhanh để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Tỉnh cần ăn cứ tình hình cụ thể để nghiên cứu chiến lược cách ly phù hợp, có thể cách ly tại nhà với các ca F0 không có triệu chứng nguy hiểm và F1; xây dựng kế hoạch để cách ly người lao động ngay tại nhà máy nhằm vừa phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Bình Dương cần xây dựng các kịch bản tăng trưởng tùy theo diễn biến tình hình thời gian tới. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, rà soát lại, tập trung vốn cho các dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành, dứt khoát cắt giảm các dự án dàn trải, kém hiệu quả./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu