Không nên tuyệt đối, cứng nhắc khi quy định về nồng độ cồn

(BKTO) - Chiều 24/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập.

toan-canh-gt.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng khi tham gia giao thông.

Theo đại biểu, với tập quán, phong tục của người Việt Nam, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn dường như "chưa phù hợp với các quy định về y tế cũng như chưa đảm bảo tính khoa học". Bởi theo các chuyên gia y tế cũng như thực tế, có những người trong thời gian lái xe hoặc ngày đó không sử dụng bia rượu hoặc chất có nồng độ cồn, song có thể do cơ thể sinh học hay trong quá trình chuyển hóa thức ăn, có khi hởi thở có nồng độ cồn vượt trên mức số 0.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành như Bộ Y tế, các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này, để khi Luật ban hành nhận được sự ủng hộ lớn hơn, việc thực thi cũng hiệu quả hơn.

241120230250-huynh-thi-phuc.jpg
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long), cho rằng vấn đề này không nên quy định một cách tuyệt đối và cứng nhắc, mà nên quy định như trong Luật hiện hành, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt.

“Nếu một người uống 1 ly nho ngâm đường để tiêu hóa thức ăn hoặc uống một nắp thuốc khi đau bụng thì khi đó, họ vẫn có nồng độ cồn. Trường hợp này, khi tham gia giao thông vẫn sẽ bị phạt, trong khi trên thực tế họ không hề uống rượu, bia” - đại biểu dẫn chứng và cho rằng quy định như Dự thảo Luật là chưa hợp lý, chưa thuyết phục, sẽ xảy ra nhiều tranh cãi giữa các bên khi bị thổi nồng độ cồn.

Quốc hội quyết định các vấn đề phải dựa trên bằng chứng khoa học, kết luận khoa học của các cơ quan có thẩm quyền, không thể quyết định dựa trên cảm tính hoặc theo dư luận. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chính thức cho Quốc hội về căn cứ khoa học, bằng chứng khoa học làm cơ sở cho quy định liên quan đến nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai)

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) lại bày tỏ ủng hộ quy định cấm như Dự thảo Luật. Bởi việc cho phép uống rượu ở mức nào đó sẽ tạo ra không gian thúc đẩy hành vi vi phạm.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình), cũng nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này đã góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội; phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra; góp phần làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông, hình thành văn hoá thói quen “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, tạo được niềm tin rất lớn trong nhân dân.

Do đó, đại biểu bày tỏ tán thành quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông với quyết tâm không có ngoại lệ.

Quy định xe cơ giới, xe máy lắp giám sát hành trình là khó khả thi

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”.

241120230349-dang-bich-ngoc.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bích Ngọc phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu, việc áp quy định này đối với mọi phương tiện giao thông cơ giới, gồm cả xe mô tô, xe gắn máy là rộng và khó đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn, có thể gây lãng phí và tăng chi phí trong xã hội, gây khó khăn cho người tham gia giao thông là mô tô, xe máy, nhất là những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. Đại biểu đề nghị chỉ nên khuyến khích, tập trung vào một số loại hình phương tiện, đặc biệt là các phương tiện giao thông vận tải, kinh doanh có điều kiện.

Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc quy định về thiết bị giám sát hành trình là cần thiết để luật hóa quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định như Dự thảo Luật có thể hiểu là tất cả các loại xe bao gồm cả xe cá nhân, không loại trừ xe thuộc các trường hợp có quy định riêng của Đảng, Nhà nước đều phải gắn giám sát hành trình. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc tính phù hợp và thống nhất giữa Luật này với các luật khác; chỉ nên quy định về giám sát hành trình đối với ô tô kinh doanh, hợp đồng vận tải xe khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển.

Thống nhất quy định cơ sở dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình sẽ được Trung tâm chỉ huy giao thông do Cảnh sát giao thông quản lý, vận hành, khai thác nhằm điều hành giao thông, xử lý vi phạm song đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cũng cho rằng, quy định lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe máy là khó khả thi.

“Tính đến tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nếu Dự thảo Luật được thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy phải gắn thiết bị giám sát hành trình là khó bảo đảm tính khả thi” - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn theo hướng đối với xe ô tô cá nhân và xe máy thì khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình và cơ quan quản lý nên tổ chức thí điểm, có lộ trình phù hợp để tránh hiệu ứng ngược.

Cùng chuyên mục
Không nên tuyệt đối, cứng nhắc khi quy định về nồng độ cồn