Ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường trong đấu giá kho số viễn thông
Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều.
Trước khi Quốc hội biểu quyết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - đã trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Ông Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến quy định về tài nguyên viễn thông (Chương VI), có ý kiến đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá và giao Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết. Đề nghị giải trình các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông.
Về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô...
Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và thực hiện theo pháp luật về dân sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định trong Dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" bảo đảm phù hợp với pháp luật về đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản.
Theo ông Lê Quang Huy, với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.
100% lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng nộp vào ngân sách nhà nước
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã quy định việc nộp phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet; lệ phí phân bổ, cấp tài nguyên Internet tại điểm d khoản 9 Điều 50 (đã bao gồm việc bổ sung về nộp lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng, phí duy trì số hiệu mạng) và khoản 3 Điều 71 Dự thảo Luật; phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý thuế.
Theo đó, việc thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng sẽ thực hiện tương tự như đối với địa chỉ Internet (đã triển khai từ trước đến nay).
Mức thu, đối tượng thu, nộp, chế độ miễn, giảm đối với phí, lệ phí số hiệu mạng sẽ được quy định tại thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Phí và lệ phí.
Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý cấp, phân bổ số hiệu mạng) có trách nhiệm tổ chức việc thu lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng. Chủ thể có trách nhiệm nộp lệ phí, phí là tổ chức, doanh nghiệp đăng ký sử dụng số hiệu mạng tại Việt Nam.
Lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng được nộp 100% vào ngân sách nhà nước. Phí duy trì sử dụng số hiệu mạng được dùng cho 03 khoản: Nộp vào ngân sách nhà nước; Nộp cho Tổ chức quản lý địa chỉ Internet/số hiệu mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) theo quy định của APNIC; để lại một phần phục vụ công tác quản lý số hiệu mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Việc thu lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng tại Việt Nam là hoạt động quản lý tài nguyên Internet theo chính sách của Việt Nam, phù hợp với chính sách của APNIC, không phải là thu hộ phí cho APNIC” - ông Lê Quang Huy nêu rõ.
Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (Điều 31), ông Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Về vấn đề này, UBTVQH nêu rõ, việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia” theo chủ trương của Đảng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định miễn đóng góp cho doanh nghiệp viễn thông vào quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trong một số trường hợp. Do vậy, UBTVQH đề nghị được giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như Điều 32 Dự thảo Luật; đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ để phù hợp với tình hình thực tế.