Tồn tại nhiều rào cản khiến cải cách chững lại
Cải cách các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích phát triển DN là một trọng tâm của Chính phủ trong thời gian qua và đã đạt được một số kết quả tích cực, với việc hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa; thủ tục hành chính thuận lợi hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của cộng đồng DN. Bà Thảo cho biết, một kết quả rà soát của CIEM gần đây cho thấy còn nhiều tồn tại trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh. Cụ thể, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế lớn hơn số lượng ngành nghề quy định trong Luật Đầu tư. Nhiều ngành nghề cắt giảm chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng để rút gọn về hình thức số lượng ngành nghề.
Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư, nhưng không tìm thấy ngành nghề tương ứng tại pháp luật chuyên ngành; hay ngành nghề kinh doanh đã được đưa ra khỏi Luật Đầu tư, nhưng nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn hiệu lực thi hành. Đặc biệt là tình trạng không nhất quán trong xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện; một số ngành nghề thiếu thuyết phục về sự cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; một số văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về điều kiện kinh doanh, nhưng ngành nghề không được quy định tại Luật Đầu tư. “Có thể thấy, việc thu gọn ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa thực chất, chưa đúng tinh thần cải cách tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí tuân thủ cho DN. Những tồn tại này đang làm chững lại, thậm chí kéo lùi đà cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang kiên trì theo đuổi” - bà Thảo nhấn mạnh.
Từ góc độ DN, ông Bạch Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y cũng đánh giá môi trường kinh doanh dù đã được cải thiện song vẫn còn nhiều rào cản; vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật chậm được tháo gỡ. Lấy ví dụ từ ngành hàng sản xuất thuốc thú y, ông Thắng cho biết, một trong những quy định pháp luật rất bất cập đó là quy định về hợp quy thuốc thú y. “Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, nhiều cuộc làm việc với các cơ quan quản lý chuyên ngành, Văn phòng Chính phủ…, đều nhận được sự đồng thuận là không cần quy định về hợp quy đối với thuốc thú y. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vướng mắc trên, do đó đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các DN trong Ngành” - ông Thắng bày tỏ.
Cần hành động quyết liệt trong thực hiện cải cách
Năm 2024 đã đi qua được hơn một nửa chặng đường, song theo các chuyên gia, những khó khăn, thách thức đối với cộng đồng DN vẫn còn hiệu hữu khá rõ nét, đang đặt ra áp lực rất lớn cho DN trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN thì những bất cập, tồn tại trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được khơi thông một cách mạnh mẽ, càng sớm càng tốt.
Đưa khuyến nghị cụ thể, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tháo gỡ rào cản pháp lý đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, cũng như nâng cao tính minh bạch, rõ ràng của các quy định pháp luật, nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh, bảo đảm sự an toàn trong quá trình đầu tư của DN. Đi kèm với nâng cao chất lượng quy định pháp luật, cần đảm bảo việc thực thi pháp luật. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng, bởi cộng đồng DN luôn cần một môi trường pháp lý có tính ổn định, có khả năng dự đoán trước khi quyết định đầu tư. Nếu môi trường pháp luật không ổn định, khó dự đoán tức là rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN sẽ kém thuận lợi.
Ngày 08/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 603/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các Bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, tiếp tục tổng hợp, rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh (nếu có).
Từ góc độ DN, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội bày tỏ, trong bối cảnh khó khăn bên ngoài còn rất lớn thì ở trong nước chính sách hỗ trợ DN phải được tăng cường nhiều hơn. Theo đó, ngoài những chương trình hỗ trợ trực tiếp như các chính sách về tài khóa, tiền tệ thì điều mà các DN mong chờ nhất là cải thiện môi trường kinh doanh, không đặt ra thêm những rào cản mới; đồng thời sửa đổi, loại bỏ những quy định pháp luật bất cập, không phù hợp, gây khó cho hoạt động của DN. Điều này sẽ “tiếp sức” cho DN nỗ lực vượt khó để duy trì sự phục hồi và phát triển bền vững.
Liên quan đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, tại Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ mới diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cải cách hành chính là vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng... Do đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, xác định “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”; lấy người dân, DN là chủ thể, là trung tâm của cải cách hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh rà soát các quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, để huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển, thúc đẩy DN mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững./.