Không ngừng sáng tạo, lan tỏa “sức mạnh mềm” âm nhạc

PGS,TS. LÊ ANH TUẤN - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia | 12/01/2023 15:45

(BKTO) - Âm nhạc luôn là vũ khí sắc bén và nhanh nhạy, luôn đồng hành với dân tộc vượt qua mọi thăng trầm, biến cố của đất nước. Trong đại dịch Covid-19, khi nỗi đau gieo rắc khắp nơi, nhiều ca khúc mới ra đời đã cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh để lực lượng tuyến đầu chống dịch, cộng đồng sớm vượt qua đại dịch.

36-am-nhac-3.jpg
Không ngừng lan tỏa “sức mạnh mềm” của âm nhạc. Ảnh: N.LỘC

Và nay, trong không khí cả nước phấn khởi mừng Xuân sau đại dịch, âm nhạc đã và đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình, tạo “sức mạnh mềm” đưa đất nước phục hồi, góp phần xây dựng ngành công nghiệp văn hóa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Chính sách về văn hóa mở lối cho sáng tạo nghệ thuật

Trong đời sống văn học nghệ thuật, âm nhạc luôn là lĩnh vực gần gũi, gắn bó mật thiết hàng đầu với sinh hoạt văn hóa của con người. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, đời sống âm nhạc ngày càng phong phú, đa dạng, không ngừng đổi mới để phù hợp với nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả...

Đi đôi với dòng âm nhạc dân gian, âm nhạc bác học cổ truyền và các khuynh hướng nhạc nhẹ, chúng ta có những bước tiến triển đáng khích lệ trong sự phát triển của âm nhạc hàn lâm trên bước đường hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Bên cạnh việc hợp tác với các tổ chức âm nhạc nước ngoài dàn dựng chương trình biểu diễn, một số nhà hát Việt Nam đã hoàn toàn tự lực dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm kinh điển thế giới, tiêu biểu như các Chương trình nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Đây chính là kết quả của sự sáng tạo trong âm nhạc, sự dày công khổ luyện của các nhạc sĩ, nghệ sĩ. Song kết quả đó còn nhờ vào những chính sách văn hóa cởi mở, thông thoáng nhằm cụ thể hóa chủ trương quan tâm đầu tư, chăm lo cho nghệ thuật của Đảng và Nhà nước. Qua từng thời kỳ, sự thay đổi về chính sách văn hóa, đặt trong sự biến chuyển chung của đất nước, của thời đại đều hướng đến giải quyết những vấn đề của cuộc sống bằng ngôn ngữ riêng của nghệ thuật. Chính sách văn hóa đều phải hướng đến lợi ích của Nhân dân, của những chủ thể sáng tạo, thụ hưởng ở góc độ này hay khía cạnh khác và sẽ là bệ đỡ cho những sáng tạo phù hợp với mỹ cảm chung của đất nước. Chính sách phù hợp giúp thiết lập trật tự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để âm nhạc phát triển, sáng tạo.

Nhà nước cũng tạo ra cơ sở pháp lý để các sáng tạo âm nhạc được lưu hành, cũng như đảm bảo quyền được sáng tạo nghệ thuật, trình diễn của nhạc sĩ, ca sĩ và các nghệ sĩ nói chung. Phải nói rằng, trong thời điểm này, âm nhạc có môi trường khá lý tưởng để phát triển, hay nói cách khác, chính sách văn hóa hiện nay thực sự góp phần thúc đẩy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Sự vận động, sáng tạo của các loại hình nghệ thuật do chính nghệ sĩ điều chỉnh, quyết định trước tác động của công chúng và thị trường. Rất nhiều loại hình, sáng tác âm nhạc mới xuất hiện, song nhanh chóng thoái trào bởi không phù hợp với mỹ cảm của dân tộc. Giờ đây, các nghệ sĩ phải nỗ lực định hình phong cách cá nhân trong chiều sâu sáng tác bởi chỉ có như vậy mới giúp họ vững bước trên con đường nghệ thuật chân chính.

Để lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa tốt đẹp qua âm nhạc

Dù có nhiều bứt phá mạnh mẽ nhưng âm nhạc vẫn chưa được coi là nền công nghiệp đúng nghĩa. Điều này mang lại nhiều bất cập, xét về góc độ kinh tế thì không có nguồn thu để tái đầu tư và cũng không thể tạo được sức hút với đông đảo công chúng để qua đó truyền tải những thông điệp giáo dục. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần thật sự xem âm nhạc như một sản phẩm được đầu tư, đóng gói và quảng bá rộng rãi để tiến tới xây dựng nền công nghiệp âm nhạc thực thụ, có sinh lợi nhuận. Song, xây dựng thị trường âm nhạc, không đồng nghĩa với việc cổ xúy những sáng tác chỉ nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng và xa rời các giá trị chân - thiện - mỹ, xa rời nền tảng văn hóa. Bởi, tiếp nhận nghệ thuật không chỉ để giải trí, mà qua đó thu nạp tri thức, làm phong phú đời sống tinh thần và giúp con người sống nhân văn, có ý nghĩa hơn trong cộng đồng.

Để làm được điều này, trước tiên cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho âm nhạc phát triển và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo, cần phải có những chế tài đủ mạnh, nghiêm minh để ngăn ngừa các tệ nạn trong âm nhạc. Tiếp đó, cần tăng cường các hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá gắn với mục tiêu kinh doanh hiệu quả; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn âm nhạc, đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư trọng điểm các công trình nhà hát, trung tâm giải trí đạt chuẩn quốc tế…

Với vai trò lĩnh xướng, soi đường trong bối cảnh mới, âm nhạc cần phải thay đổi cách thức truyền tải để đến gần với công chúng. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ được coi là bước chuyển quan trọng giúp âm nhạc xóa bỏ rào cản về mặt địa lý, cũng như chủ động thích ứng với mọi biến động. Điều này đã được thể hiện rõ trong bối cảnh dịch bệnh, khi toàn xã hội thực hiện giãn cách, âm nhạc vẫn được cất vang thông qua các nền tảng số, góp phần cổ vũ toàn dân vượt qua đại dịch.

Có thể nói, hơn bao giờ hết, đất nước sau đại dịch Covid-19 vẫn phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức. Bên cạnh những đòn bẩy từ chính sách, một “sức mạnh mềm” từ văn hóa, âm nhạc là vô cùng cần thiết lúc này để giúp cho xã hội có thêm niềm tin, động lực từ đó góp sức vào công cuộc phục hồi, phát triển đất nước. Việc tạo dựng chính sách cởi mở, cùng với sự đầu tư tương xứng cho âm nhạc, vận hành âm nhạc trên những nền tảng mới được hỗ trợ bởi công nghệ chính là những điều kiện cần thiết hướng đến mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” theo đúng định hướng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định./.

Cùng chuyên mục
Không ngừng sáng tạo, lan tỏa “sức mạnh mềm” âm nhạc