Khu vực kinh tế tư nhân cần có không gian và cơ hội để phát triển

(BKTO) - Tiếp nối thành công của các kỳ hội thảo trước, sáng 12/11, Học viện Tài chính (AOF) phối hợp với Đại học Tài chính Marketing (UFM), Đại học Tài chính Kế toán (UFA) và Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (IFT) tổ chức Hội thảo “Tài chính kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững” (FASPS-3).



                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.Ly

   

Đây là sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ kiến thức kinh nghiệm giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngoài về lĩnh vực tài chính kế toán trong bối cảnh kỷ nguyên kỹ thuật số phát triển bùng nổ. Với tổng số 120 bài viết gửi đến Ban Tổ chức và 98 bài được chọn đăng trong kỷ yếu, AOF kỳ vọng những phân tích, đánh giá, đề xuất, ý tưởng có hàm lượng khoa học cao sẽ trở thành một nguồn tài liệu tham khảo và trích dẫn tin cậy đối với các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,NGND. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính đánh giá: Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế tư nhân đã phát triển rộng khắp trong cả nước; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng NSNN, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước.

Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu NSNN, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế, phần lớn các DN khu vực này ở quy mô siêu nhỏ và nhỏ (chiếm trên 97% tổng số DN), năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong…

Trên thực tế, dù số lượng DN tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển còn thấp, sự gia tăng số lượng của DN tư nhân chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển. Trong giai đoạn 2021-2030, khu vực kinh tế tư nhân muốn phát triển cần có không gian, cơ hội, đặc biệt là các DN nhỏ.

Định hướng DN tư nhân cần hướng tới là phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Nhằm xây dựng và trang bị hệ thống cơ sở lý luận, thực tiễn cùng các giải pháp cũng như kiến nghị đầy đủ hơn cho việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, FASPS-3 tập trung thảo luận các chủ đề:

Các chính sách tài chính - kế toán cho phát triển kinh tế tư nhân; nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; các quan điểm và nhận thức về kinh tế tư nhân; quản lý kinh tế, cải cách tài chính công, cải cách hành chính để phát triển kinh tế tư nhân; kinh tế tư nhân, điều kiện, giải pháp, định hướng phát triển kinh tế tư nhân, những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tư nhân.

Thực trạng, vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; kinh tế tư nhân trong bối cảnh hội nhập, cách mạng 4.0, tham gia các hiệp định thương mại tư do…Vai trò của Nhà nước và các chủ đề khác liên quan đến thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, các mô hình kinh tế (kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn …) và sự phát triển kinh tế tư nhân./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Khu vực kinh tế tư nhân cần có không gian và cơ hội để phát triển