Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, rút ngắn khoảng cách giới

(BKTO) - Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới 2021 có chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.



                
   

Tại Lễ phát động Tháng hành động vì BĐG năm 2021, các đại biểu hành động thể hiện thông điệp chung tay vì phụ nữ và trẻ em gái. Nguồn:molisa.gov.vn

   

Sáng 12/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì và phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 (từ ngày 15/11 - 15/12/2021) bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Lễ phát động kêu gọi các bên liên quan và người dân hưởng ứng và triển khai các hoạt động thiết thực để thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với mọi hình thức phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới. Việc lựa chọn chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động năm nay một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy BĐG thực chất.

Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình đảm bảo an sinh xã hội, công tác truyền thông cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sẽ không có BĐG nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ, trẻ em gái”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, việc triển khai Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng, quan tâm, chung tay vào cuộc của toàn xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.

Để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực giới, ông Kidong Park - Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc - khuyến nghị: Ngoài việc thay đổi các chuẩn mực xã hội thông qua việc xây dựng văn hóa tôn trọng, bình đẳng đối với tất cả các giới, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần cam kết chính trị mạnh mẽ thể hiện qua việc xây dựng các luật, chính sách toàn diện; các chương trình thay đổi các quan niệm xã hội mang tính dài hạn và dựa trên cơ sở bằng chứng; xây dựng cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về các hình thức phân biệt đối xử và bạo lực giới đối với các nhóm khác nhau.

“Quan trọng nhất là thiết lập các dịch vụ thiết yếu có nhạy cảm giới, đáng tin cậy, giá cả phải chăng cho người bị bạo lực” - ông Kidong Park chia sẻ.

Thay mặt tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông Kidong Park cho biết, Liên Hợp Quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy BĐG, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới, hướng tới việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng với Lễ phát động, sẽ có hàng nghìn hoạt động hưởng ứng Tháng hành động được tổ chức trực tiếp và trực tuyến trên cả nước với các quy mô khác nhau, thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân trên khắp cả nước./.
         
Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến 15/12 hằng năm. Qua 5 năm triển khai (2016-2020), đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
THÀNH ĐỨC



Cùng chuyên mục
Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, rút ngắn khoảng cách giới