Khủng hoảng ngân hàng và sự lựa chọn của FED

(BKTO) - Chỉ trong vòng 10 ngày, Mỹ chứng kiến 2 ngân hàng ngừng hoạt đột và 1 ngân hàng trên bờ vực sụp đổ. Ở châu Âu, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ cũng vừa bị thâu tóm. Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý đang phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan.

svb-dw.jpg
Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank đã khởi đầu cho cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu -Nguồn: DW

Hàng trăm tỉ USD đã được "bơm" vào các ngân hàng

Vào ngày 10/3, vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) – nằm trong top 20 nhà băng lớn nhất về tài sản ở Mỹ - bị khách hàng ồ ạt rút tiền. Người gửi tiền đã điên cuồng rút tiền khỏi ngân hàng có trụ sở tại bang California trước khi các cơ quan quản lý Mỹ can thiệp và nắm quyền kiểm soát. 

Vài ngày sau đó, một ngân hàng Mỹ khác là Signature Bank bị đóng cửa và thêm một ngân hàng Mỹ thứ ba là First Republic Bank (FRC) đứng trên bờ vực sụp đổ. Tiếp đó, mối đe dọa lớn đầu tiên với hệ thống tài chính toàn cầu kể từ năm 2008 ập đến khi ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ Credit Suisse lâm vào khủng hoảng và bị ngân hàng UBS thâu tóm trong thương vụ nhằm ngăn chặn khủng hoảng lây lan.

Sau tất cả, thị trường được trấn an nhờ những khoản tiền khẩn cấp từ các ngân hàng trung ương cũng như những nhà băng lớn nhất trong ngành.

Gần 200 tỷ USD cho đến nay đã được các ngân hàng trung ương cam kết hỗ trợ trực tiếp. Để đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi tại Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang sẵn sàng chịu trách nhiệm với số tiền 140 tỷ USD. Tiếp đến là 54 tỷ USD mà Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã cung cấp cho Credit Suisse dưới hình thức cho vay khẩn cấp, và sẵn sàng cung cấp thêm hàng trăm tỷ USD cho cả UBS và Credit Suisse.

FED cũng đã đồng ý cho các ngân hàng khác vay số tiền kỷ lục trong tuần qua. Các ngân hàng đã vay gần 153 tỷ USD từ FED trong những ngày gần đây, phá vỡ kỷ lục trước đó là 112 tỷ USD được thiết lập trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Các ngân hàng cũng đã vay gần 12 tỷ USD từ chương trình cho vay khẩn cấp mới của FED được thành lập vào đầu tuần trước với mục đích ngăn chặn nhiều ngân hàng khác sụp đổ.

Lịch sử liệu có lặp lại ?

lehman-brothersthe-guardian.png
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng  khởi đầu với việc ngân hàng Lehman Brothers Holdings (Mỹ) nộp đơn xin phá sản - Nguồn: Guardian

Nếu nhìn lại quá khứ, cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ hiện nay có một số điểm khác biệt lớn so với những gì diễn ra vào năm 2008.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 có nguyên nhân bắt nguồn từ những tài sản khó xác định giá trị như chứng khoán đảm bảo bằng nợ bất động sản. Định giá những tài sản này là một bài toán không hề dễ đối với các ngân hàng. Nhưng hiện nay, những tài sản gây rắc rối cho các ngân hàng đều là những loại dễ định giá và cũng dễ bán, như trái phiếu kho bạc Mỹ và các trái phiếu khác. Nhờ đó, sự can thiệp của Chính phủ cũng hiệu quả hơn.

Và các cơ quan chức năng của Mỹ đã hành động. Lần này, Chính phủ vào cuộc sớm để đảm bảo toàn bộ tiền gửi tại các ngân hàng sụp đổ để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) bảo hiểm cho các tài khoản tiền gửi trị giá đến 250.000 USD và các ngân hàng lớn của Mỹ cũng có đủ năng lực tài chính để vượt qua biến động bởi họ thường xuyên được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kiểm tra sức khoẻ.

“So với năm 2008, hệ thống đã minh bạch hơn nhiều, với nền tảng vững vàng hơn, và Chính phủ đã nhận diện được những vấn đề còn lại và triển khai nhanh các biện pháp để xử lý”, Giám đốc đầu tư Brad McMillan của Commonwealth Financial Network nhận định

Tuy nhiên, nếu để so sánh, cuộc khủng hoảng hiện nay có nhiều nét tương đồng với cuộc khủng hoảng quỹ tiết kiệm và tiền lương (S&L) hồi cuối thập niên 1980 và đầu những năm 1990.

Các quỹ S&L cũng giống như ngân hàng, nhưng chuyên về nhận tiền gửi tiết kiệm và cấp các khoản vay thế chấp nhà. Vào những năm 1980, khi được “cởi trói” khỏi các quy định giám sát khắt khe, các quỹ này bắt đầu dấn thân vào những khoản đầu tư đầy rủi ro bằng tiền của khách hàng. Sau đó, những vụ đầu tư này gặp trở ngại và các quỹ rơi vào cảnh thua lỗ đúng lúc FED nâng lãi suất. Lãi suất tăng cao đồng nghĩa với việc nhiều khách hàng vay vốn từ các quỹ S&L gặp khó trong việc trả nợ. Kết cục là nhiều quỹ S&L sụp đổ và Chính phủ Mỹ phải ra tay giải cứu các quỹ đó. 

Chuyên gia Jaret Seiberg của TD Cowen nhận định trong một báo cáo “Có thể nói những gì vừa xảy ra giống như một vụ sập ngân hàng điển hình trong cuộc khủng hoảng quỹ tiết kiệm và tiền lương. Điểm khác biệt duy nhất là ngân hàng mới đổ vỡ (SVB) chuyên phục vụ lĩnh vực công nghệ thay vì bất động sản”.

FED sẽ lựa chọn ổn định tài chính hay hạ nhiệt lạm phát ?

fed-afp.jpg
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington DC - Nguồn AFP

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đánh giá sự kiện quan trọng trong tuần này chính là quyết định chính sách của FED vào cuộc họp diễn ra từ ngày 21 - 22/3 ( giờ địa phương).

Các thị trường chờ đợi liệu những ồn ào trên thị trường toàn cầu có khiến các nhà lập pháp Mỹ kìm lại việc nâng lãi suất hay không. Trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng Mỹ và châu Âu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, một số giám đốc điều hành đang kêu gọi FED tạm dừng lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các nhà đầu tư dự đoán có 60% khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, với 40% còn lại dự đoán Ngân hàng trung ương này sẽ đóng băng lãi suất chủ chốt. Một số giám đốc điều hành ngân hàng đã lên tiếng kêu gọi FED ưu tiên ổn định thị trường tài chính trước.

Theo ông Peter Orszag, Giám đốc điều hành phụ trách tư vấn tài chính tại ngân hàng đầu tư Lazard: FED cần nhanh chóng ổn định thị trường tài chính, còn chính sách ổn định lạm phát thì có thể từ từ triển khai. Ông Orszag nói thêm: "FED nên tạm dừng tăng lãi suất nhưng sẵn sàng tăng dần dần khi tình hình có chuyển biến tốt".

Bob Schwartz, chuyên gia cấp cao tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, nhận định rằng các vấn đề của ngân hàng chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách. James Tabacchi, Tổng giám đốc của công ty môi giới South Street Securities, cho rằng: FED nên chờ khoảng một tháng để thị trường ổn định lại. Ông dự đoán FED cuối cùng sẽ tăng lãi suất lên trên 6%. Lãi suất hiện tại của FED là 4,5 - 4,75%. Theo ông Orszag, người từng là Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama: miễn là kỳ vọng lạm phát dài hạn không bị ảnh hưởng như trường hợp hiện nay, thì FED vẫn còn thời gian. Tăng lãi suất quá nhanh có thể gây thiệt hại nghiêm trọng, ví dụ rõ nhất là cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay.

Cùng chuyên mục
Khủng hoảng ngân hàng và sự lựa chọn của FED