Khuyến khích hoạt động lưu trữ tư

(BKTO) - Nhằm phát huy vai trò của khu vực tư trong hoạt động lưu trữ, các đại biểu Quốc hội đề nghị Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi hơn về quy trình, thủ tục, định hướng hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư…

cac-db27.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận về Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) chiều 27/11. Ảnh: VPQH

Tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ

Theo Tờ trình Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội, Dự thảo Luật quy định rõ yêu cầu của hoạt động lưu trữ tư; Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư. Đồng thời, quy định rõ các hoạt động lưu trữ tư; hoạt động nghiệp vụ lưu trữ tư; hoạt động lưu trữ phục vụ cộng đồng; mua, bán, trao đổi, hiến tặng tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, các quy định trên nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.

Theo đó, với mục tiêu phát triển lưu trữ tư, Nhà nước có chính sách để tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu lưu trữ tư và tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ.

Thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm, góp ý hoàn thiện quy định này.

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định), từ thực tiễn, có rất nhiều tài liệu quý cần lưu trữ ở trong dân. Vì vậy, việc bổ sung nội dung lưu trữ tư vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật lần này là cần thiết.

271120230431-ly-tiet-hanh.jpg
Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, hiện nay, chúng ta có tài liệu lưu trữ do Nhà nước thực hiện và tài liệu lưu trữ tư. Tài liệu lưu trữ do Nhà nước thực hiện có tính chất bắt buộc, có quy trình chặt chẽ về kiểm tra, phân cấp, quản lý, phân loại cụ thể. Còn tài liệu lưu trữ tư thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ… mang tính chất tự giác, tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động và được huy động, sử dụng nguồn lực hợp pháp để hoạt động. Do đó, hai hệ thống này có sự khác nhau rõ.

Tuy nhiên, về tổng thể, quy định về lưu trữ tư và lưu trữ do Nhà nước vẫn giống nhau, cùng một hệ quy chuẩn, quy định. Quy định như vậy sẽ có nhiều bất cập.

Để đảm bảo nguyên tắc chung của hoạt động lưu trữ, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ các quy định về hoạt động lưu trữ tư để tương thích với các luật liên quan. Đồng thời, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát đánh giá lại việc thực hiện lưu trữ tư hiện nay; bổ sung một số quy định về lưu trữ tư, có thể tư nhân hóa một số nội dung liên quan đến lưu trữ của Nhà nước hoặc kêu gọi cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động hiến tặng, trao đổi hoặc hợp tác trong các hoạt động lưu trữ tư…

Đồng quan điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật đối với các tài liệu lưu trữ tư, đảm bảo thống nhất với các quy định nội tại trong Luật; rà soát bổ sung quy định về thẩm quyền, thủ tục đưa tài liệu lưu trữ tư có giá trị làm việc vào kho lưu trữ quốc gia.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia lưu trữ

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An), với định nghĩa tài liệu lưu trữ như Dự thảo Luật thì hiện nay, số lượng tài liệu lưu trữ tư trong cộng đồng là tương đối lớn.

Tuy nhiên, các loại tài liệu này phần lớn đang được lưu trữ dưới hình thức rất đơn giản, thậm chí chủ yếu đang nằm trong rương, hòm tại các gia đình, dòng họ, chưa được đánh giá để phát huy giá trị vốn có.

271120230259-hoang-minh-hieu.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Vì vậy, đại biểu Hiếu cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của việc quản lý nhà nước đối với hoạt động lưu trữ tư là khuyến khích người dân đăng ký để cơ quan nhà nước có thể thống kê đầy đủ thông tin về các tài liệu lưu trữ, nhất là đối với các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đang tồn tại trong cộng đồng.

Điều 45 Dự thảo Luật quy định về những chính sách hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ dừng lại ở các quy định chung. Dự thảo Luật cũng chưa có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung các chính sách này.

Để khuyến khích sự tự nguyện tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư, đại biểu Hiếu cho rằng, cần có thêm những chính sách cho phép người dân đăng ký để được đánh giá giá trị của các tài liệu lưu trữ một cách miễn phí. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật nên quy định các cơ quan lưu trữ nhà nước có thể ký hợp đồng bảo quản miễn phí hoặc có chi phí thấp đối với các kho tài liệu lưu trữ của các gia đình, dòng họ, tổ chức có số lượng tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ở một quy mô nhất định.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) cũng cho rằng, về chính sách của Nhà nước trong việc xã hội hóa hoạt động lưu trữ, Dự thảo Luật có đề cập đến việc “khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi”. Theo đại biểu, quy định như vậy còn định tính, không rõ ràng; do đó, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa một số lĩnh vực lưu trữ.

Trong khi đó, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn TP. Hải Phòng) đề nghị làm rõ vai trò của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong hoạt động lưu trữ.

Phát biểu giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để thiết kế một cách cụ thể hơn, định hướng hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư rõ ràng, mạch lạc và các tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm cụ thể trong quản lý lưu trữ tư, nhằm phát huy tối đa vai trò của khu vực tư trong quản lý lưu trữ, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ./.

Cùng chuyên mục
Khuyến khích hoạt động lưu trữ tư