Kiềm chế lạm phát - thách thức lớn của các Ngân hàng Trung ương

(BKTO) - Lạm phát cao là một trong những thách thức chính sách mà các Ngân hàng Trung ương đang phải đối mặt hiện nay, đòi hỏi phản ứng kịp thời trong công tác truyền thông chính sách và điều tiết kỳ vọng thị trường.

anh-minh-hoa-lam-phat.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là nhận định của các diễn giả tại Hội nghị Hội đồng Thống đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo của Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế Đông Nam Á (SEACEN) - Hội nghị BOG lần thứ 42 và Hội thảo cấp cao bên lề tại Siêm Riệp, Campuchia.

Sự kiện có sự tham gia của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng cùng các Thống đốc Ngân hàng Trung ương/Cơ quan Quản lý tiền tệ 19 thành viên SEACEN, các diễn giả cấp cao từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Bên cạnh thách thức về lạm phát, chia sẻ tại Hội thảo, các diễn giả nhận định khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cùng lúc đối mặt với nhiều thách thức từ điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, xung đột địa chính trị và tình trạng suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc.

Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức và rủi ro cho các Ngân hàng Trung ương trong việc kiềm chế lạm phát và duy trì ổn định tài chính.

Các đại biểu cho rằng, các Ngân hàng Trung ương cần tăng cường công tác quản lý rủi ro; chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi để hướng ngành ngân hàng phát triển xanh và bền vững; tăng cường công khai, minh bạch thông tin và số liệu; thúc đẩy hợp tác công tư để huy động sự tham gia của khu vực tư nhân.

Ngân hàng Trung ương cần đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác cùng với các bên liên quan để giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là trong việc huy động vốn để hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu.

Để đạt được mục tiêu đó, các đại biểu cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Phát triển các công cụ tài chính mới, nghiên cứu phát hành các công cụ nợ bền vững có bảo lãnh của chính phủ, phát triển thị trường carbon, phát huy vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển…

Bên cạnh việc mở rộng quy mô tài trợ cho khí hậu, cần chú trọng quản lý và phân bổ nguồn vốn dành cho biến đổi khí hậu một cách hiệu quả cũng như đảm bảo rằng các quốc gia có đủ năng lực để hấp thụ và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích các nguồn lực này.

Tại Hội nghị BOG lần thứ 42, các Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã phê duyệt các hoạt động đào tào, nghiên cứu và ngân sách dự kiến của SEACEN trong năm 2023.

Các đại biểu đánh giá cao NHNN đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch SEACEN 2022. Thay mặt Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cảm ơn Giám đốc điều hành và các thành viên SEACEN đã tích cực hỗ trợ NHNN hoàn thành vai trò Chủ tịch SEACEN 2022.

Nhân dịp này, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã bàn giao vai trò Chủ tịch SEACEN 2023 cho Ngân hàng Trung ương Campuchia. Phó Thống đốc tin tưởng rằng dưới sự chủ trì của Ngân hàng Trung ương Campuchia, các hoạt động của SEACEN trong năm 2023 sẽ được triển khai hiệu quả, góp phần hướng tới mục tiêu đưa SEACEN trở thành trung tâm đào tạo và nâng cao năng lực có uy tín trong khu vực./.

Cùng chuyên mục
Kiềm chế lạm phát - thách thức lớn của các Ngân hàng Trung ương