Thông tư 16 quy định: TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất. - Ảnh:Internet |
3 trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp
Theo Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái TPDN (Thông tư 16) vừa được NHNN ban hành, TCTD không được mua TPDN trong các trường hợp: TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN phát hành; TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác; TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
TCTD không được bán TPDN cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán TPDN cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền.
Điểm mới đáng lưu ý của Thông tư 16 là TCTD chỉ được mua TPDN khi TCTD đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua TPDN.
Thông tư 16 quy định trách nhiệm của TCTD khi mua TPDN. Theo đó, TCTD có trách nhiệm thẩm định việc đáp ứng các nguyên tắc để xem xét, quyết định việc mua TPDN; theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của DN phát hành.
Trường hợp phát hiện DN phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết với TCTD, TCTD yêu cầu DN phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.
TCDT yêu cầu DN phát hành trái phiếu thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn. Trường hợp DN phát hành trái phiếu không có khả năng thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hoặc khi DN phát hành trái phiếu không thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết, TCTD xử lý, thu hồi nợ gốc, lãi trái phiếu.
Trong thời gian nắm giữ TPDN, tối thiểu định kỳ 6 tháng/lần, TCTD đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của DN phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của DN phát hành.
Việc xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình mua TPDN phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm khả năng thu hồi tiền gốc và lãi TPDN.
Ngoài ra, TCTD quy định cụ thể các giới hạn mua TPDN. Thông tư 16 có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2022.
Quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đầu tư trái phiếu của các ngân hàng
Thông tư 16 được ban hành trong bối cảnh thị trường trái phiếu liên tục tăng trưởng nóng thời gian gần đây.
Theo số liệu của FiinGroup, quy mô giá trị phát hành trái phiếu sơ cấp trong 9 tháng năm 2021 của các ngân hàng thương mại đạt 116 nghìn tỷ đồng (chiếm 33% tổng giá trị phát hành), tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này nhằm thực hiện tăng vốn cấp 2 và cải thiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định của NHNN trước nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn từ DN.
FiinGroup nhận định, xét về cơ cấu, nhóm ngân hàng đang đứng ở vị trí thứ 2, chỉ sau nhóm bất động sản. Các ngân hàng vẫn duy trì là nhóm nhà đầu tư mua chính với 56% tổng giá trị phát hành.
Báo cáo “Thị trường TPDN” do Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI thực hiện cũng cho biết, trong quý III/2021, bất động sản và ngân hàng tiếp tục duy trì là 2 nhóm ngành chiếm tỷ trọng phát hành nhiều nhất, lên tới 80% tổng lượng phát hành.
Theo SSI, 9 tháng năm 2021, dẫn đầu phát hành TPDN vẫn là các DN bất động sản (201,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,5%), thứ hai là các ngân hàng (136,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,8%), tiếp đến là năng lượng và khoáng sản (21,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 5%), định chế tài chính phi ngân hàng (20,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,7%), phát triển hạ tầng (17,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,9%) và các DN khác.
Cơ cấu mua TPDN trên thị trường sơ cấp chủ yếu thuộc về ngân hàng, công ty chứng khoán và một số lượng nhỏ các nhà đầu tư cá nhân. Có tới gần 60% lượng TPDN phát hành là do các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã mua vào 124,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,3%; các công ty chứng khoán mua 148,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,6%.
Như vậy, với vai trò là người mua chính trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang nắm giữ một khối lượng TPDN lớn.
Trên thực tế, từ năm 2019 đến nay, không ít đợt các ngân hàng nắm giữ lượng lớn TPDN, trong đó có rất nhiều trái phiếu của các DN bất động sản. Một số ngân hàng thương mại không mua trực tiếp nhưng lại thông qua các công ty chứng khoán thành viên để mua.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng ồ ạt mua TPDN thời gian qua không loại trừ mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho DN; tiềm ẩn nhiều rủi ro và hậu quả khó lường. Do vậy, việc ban hành Thông tư 16 trong bối cảnh thị trường trái phiếu liên tục tăng trưởng nóng thời gian gần đây sẽ giúp NHNN quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đầu tư TPDN của các ngân hàng thương mại./.
THÀNH ĐỨC