Tổ chức tín dụng được lựa chọn phương thức tái chiết khấu

(BKTO) – Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận, lựa chọn một trong các phương thức tái chiết khấu…



                
   

Ảnh minh họa - Ảnh:TTXVN

   

NHNN vừa ban hành Thông tư số 18/2021/TT-NHNN quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/01/2022.

Thông tư nêu rõ, công cụ chuyển nhượng được tái chiết khấu khi: Đã được bên được tái chiết khấu thực hiện chiết khấu đối với khách hàng theo quy định của NHNN về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; thuộc sở hữu hợp pháp của bên được tái chiết khấu, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không có tranh chấp, không trong tình trạng đang được sử dụng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác; chưa đến hạn thanh toán; còn nguyên vẹn, không tẩy xóa, sửa chữa.

Bên tái chiết khấu có quyền yêu cầu bên được tái chiết khấu cung cấp các thông tin, tài liệu để chứng minh công cụ chuyển nhượng được tái chiết khấu theo quy định. Bên được tái chiết khấu có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu về công cụ chuyển nhượng theo yêu cầu của bên tái chiết khấu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, tài liệu.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận, lựa chọn một trong các phương thức tái chiết khấu sau:

Một là, mua có kỳ hạn công cụ chuyển nhượng là việc bên tái chiết khấu mua và nhận chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng chưa đến hạn thanh toán từ bên được tái chiết khấu, đồng thời bên được tái chiết khấu cam kết sẽ mua lại công cụ chuyển nhượng đó sau một khoảng thời gian được xác định theo thỏa thuận tái chiết khấu.

Hai là, mua có bảo lưu quyền truy đòi công cụ chuyển nhượng là việc bên tái chiết khấu mua và nhận chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng chưa đến hạn thanh toán từ bên được tái chiết khấu; bên được tái chiết khấu phải có trách nhiệm thanh toán cho bên tái chiết khấu số tiền còn thiếu theo thỏa thuận trong trường hợp bên tái chiết khấu không nhận được đầy đủ số tiền được thanh toán từ người có trách nhiệm thanh toán công cụ chuyển nhượng đó.

Về đồng tiền tái chiết khấu, đối với công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng đồng Việt Nam, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tái chiết khấu bằng đồng Việt Nam.

Đối với công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tái chiết khấu bằng loại ngoại tệ ghi trên công cụ chuyển nhượng đó hoặc bằng đồng Việt Nam theo thỏa thuận.

Trường hợp tái chiết khấu bằng đồng Việt Nam, các bên thỏa thuận tỷ giá áp dụng phù hợp với quy định của NHNN về tỷ giá.

Trường hợp tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng theo phương thức mua có kỳ hạn, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua lại công cụ chuyển nhượng bằng đồng tiền bán công cụ chuyển nhượng đó./.
THÀNH ĐỨC

Cùng chuyên mục
Tổ chức tín dụng được lựa chọn phương thức tái chiết khấu