Kiểm toán các dự án đầu tư công - Những vấn đề cần lưu ý

(BKTO) - Một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả giải ngân các dự án đầu tư công (ĐTC) là cần phát huy hơn nữa vai trò của hoạt động kiểm toán nhà nước. Để làm được điều này, theo đại diện các địa phương và cơ quan quản lý, KTNN cần lưu ý một số vấn đề sau:



Tập trung kiểm toán vào một sốnội dung trọng yếu

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, kết quả kiểm toán những năm qua là cơ sở để địa phương chấn chỉnh ngay các sai sót, nhất là những sai phạm do hiểu chưa đúng về các quy định pháp luật. Qua kiểm toán, KTNN phát hiện vướng mắc của các địa phương, từ đó kiến nghị đến các Bộ, ngành điều chỉnh chính sách đảm bảo sát thực tế. Các cuộc kiểm toán hằng năm giống như một khóa tập huấn giúp cán bộ các sở, ngành hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật và không bị lặp lại các sai phạm của những năm trước. Kết quả kiểm toán còn giúp việc quyết toán ngân sách hằng năm tại các địa phương đảm bảo tính chính xác, hiệu quả.

Với những giá trị mà kết quả kiểm toán mang lại, KTNN cần tiếp tục nâng cao vai trò trong việc phát hiện ra các nội dung không phù hợp của văn bản pháp luật, từ đó có kiến nghị để các Bộ, ngành điều chỉnh, hỗ trợ các địa phương thực hiện. Kiểm toán dự án ĐTC, KTNN cần tập trung vào khâu lựa chọn nhà tư vấn, giúp địa phương lựa chọn được đơn vị tư vấn uy tín, tránh tình trạng dự án phải chỉnh sửa nhiều lần khi triển khai thực hiện, áp dụng công nghệ lạc hậu, kéo dài thời gian và bị đội vốn lớn...

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện dự án cũng cần được lưu ý trong quá trình kiểm toán, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Bởi lẽ, việc địa phương quản lý chưa tốt tiến độ thực hiện dự án cũng như công tác giải phóng mặt bằng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến giải ngân toàn dự án. Ngoài ra, KTNN cần tiếp tục kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm toán từ các năm trước, ngay cả khi không có kế hoạch kiểm toán ở địa phương đó, nhằm đảm bảo tính tuân thủ và khắc phục nhanh chóng các sai phạm.

Kiểm toán toàn bộ quá trìnhtriển khai dự án

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Trong những năm qua, kết quả kiểm toán đã có tác động tích cực đối với công tác quản lý cũng như điều chỉnh, hoàn thiện các quy định pháp lý về ĐTC. Một trong những vấn đề nổi bật liên quan đến ĐTC là giao kế hoạch vốn chậm trong năm. Mấu chốt của việc này là do các dự án chưa hoàn thành thủ tục nên không thể giao hết kế hoạch vốn.

Thực tế, giải ngân chỉ là bước cuối cùng của ĐTC, trước đó còn hàng loạt công đoạn với các quy trình, thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian như: xác định chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư; giải phóng mặt bằng; phê duyệt thiết kế xây dựng; đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; thỏa thuận, ký kết hợp đồng… Tiếp đó mới đến thực hiện dự án và bắt đầu giải ngân. Các bước nêu trên nếu không làm sớm thì giải ngân là một vấn đề lớn. Hiện nay, tình trạng tiền chờ dự án - dự án chờ tiền đã dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp và thường dồn vào cuối năm.

Để giải ngân tốt, dự án phải đảm bảo đầy đủ thủ tục, việc chuẩn bị đầu tư phải được triển khai sớm; công tác kế hoạch đầu tư phải chuẩn xác, tránh trường hợp tiền có trong kế hoạch nhưng dự án chưa chuẩn bị xong. Muốn vậy, hoạt động kiểm toán cần được thực hiện từ khâu bắt đầu đến khâu cuối của dự án, qua đó giúp cho các đơn vị hoàn thiện hơn công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai dự án, quản lý nhà nước về ĐTC, trong đó đặc biệt nâng cao năng lực của ban quản lý dự án. Đây là yếu tố then chốt, quan trọng, giống như thiết kế bộ máy chuyên môn để dự án được thực hiện suôn sẻ, có hiệu quả và đạt tỷ lệ giải ngân cao.

Cơ quan kiểm toán nên độc lậpđể tham gia ý kiến vào các quy địnhpháp luật

Ông Nguyễn Văn Thùy - Trưởng Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, các chính sách tiền tệ, tài chính, ĐTC đều được thực hiện một cách thận trọng và vai trò của việc giải ngân vốn là rất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, từ đó làm lan tỏa và thu hút vốn tư nhân.

Hiện nay, hoạt động kiểm toán đã được triển khai ở nhiều dự án từ cấp địa phương đến các dự án trọng điểm quốc gia, qua đó nắm bắt được tất cả các nội dung còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, KTNN cần đóng vai trò độc lập để tham gia ý kiến vào các quy định pháp luật dựa trên thực tiễn hoạt động đảm bảo các quy định này sát với thực tế, mang tính khách quan và hiệu quả. Bên cạnh đó, KTNN cũng cần kiểm toán từ đầu, ngay khi chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ thiết kế dự án, từ đó sớm phát hiện rủi ro và khắc phục các sai phạm.

Cần công khai kết quả kiểm toán trên các phương tiệnthông tin đại chúng

Bà Lương Thị Hồng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước - đánh giá: Thông qua công tác kiểm toán, KTNN đã kịp thời phát hiện các dự án ĐTC chưa đạt hiệu quả; bất cập, hạn chế trong việc ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách về ĐTC ở các giai đoạn: chuẩn bị đầu tư, thực hiện và kết thúc dự án. Từ đó, KTNN đã đề xuất xử lý tài chính nhằm ngăn chặn thất thoát, lãng phí vốn ĐTC; cung cấp thông tin để các cơ quan quản lý khắc phục bất cập trong cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán ở nhiều đơn vị vẫn chưa kịp thời, thiếu trách nhiệm. Vì vậy, KTNN cần công khai rộng rãi kết quả kiểm toán và việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời ban hành chế tài xử phạt đối với đơn vị chậm thực hiện kết luận của KTNN để nâng cao giá trị của kết quả kiểm toán.

NGUYỄN LY (lược ghi)
Cùng chuyên mục
Kiểm toán các dự án đầu tư công - Những vấn đề cần lưu ý