Quyết toán NSNN năm 2018: Kỳ IV - Chi chuyển nguồn lớn, quản lý tài sản chưa chặt chẽ

(BKTO) - Bên cạnh những bất cập trong công tác quản lý thu, chi NSNN, một điểm đáng lưu ý trong Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018 là số chi chuyển nguồn vẫn tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, công tác mua sắm và quản lý tài sản tại các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế.




KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập trong chi chuyển nguồn và ứng trước dự toán của nhiều địa phương. Ảnh tư liệu

Chi chuyển nguồnbằng 23,2% tổng chingân sách nhà nước

Tại Nghị quyết số 49/2017/QH14 và Nghị quyết số 77/2019/QH14, Quốc hội đã giao Chính phủ “Quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán NSNN, chi chuyển nguồn theo đúng quy định của Luật NSNN” và “điều hành chi để hạn chế thấp nhất việc phải chuyển nguồn kinh phí”, song kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy, số chuyển nguồn năm 2018 vẫn tăng thêm 107.976 tỷ đồng so với năm 2017. Cụ thể là từ 326.380 tỷ đồng năm 2017 lên 434.356 tỷ đồng năm 2018. Trong đó, chuyển nguồn ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2018 là 113.807 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2017, chuyển nguồn ngân sách địa phương (NSĐP) 320.549 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017.

Tổng số chi chuyển nguồn năm 2018 chiếm 23,2% tổng chi NSNN (434.356/1.869.791 tỷ đồng) và tăng cao so với các năm gần đây (năm 2017 là 19,4%; năm 2016 là 19,2%; năm 2015 là 15,7%) làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN, đặc biệt trong điều kiện NSNN năm 2018 phải đi vay để bù đắp bội chi 153.949 tỷ đồng. Theo KTNN, ngoài những nguyên nhân khách quan, chi chuyển nguồn tăng do chậm triển khai một số nhiệm vụ chi; giải ngân vốn đầu tư xây dựng chậm, một số nhiệm vụ chi chuyển nguồn qua nhiều năm...

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, một số Bộ, cơ quan T.Ư chưa thực hiện đúng quy định về xử lý số dư kinh phí và số dư dự toán chuyển năm sau theo quy định của Luật NSNN; còn có hạn chế trong kiểm soát chi chuyển nguồn của hệ thống Kho bạc Nhà nước (chưa thực hiện hủy dự toán không được chuyển nguồn trên hệ thống của Kho bạc Nhà nước). Đáng chú ý, có 25/45 địa phương được kiểm toán có số chi chuyển nguồn cao hơn năm trước, cá biệt có địa phương chi chuyển nguồn vượt trên 50% so với chi chuyển nguồn năm trước. Một số địa phương chuyển nguồn qua nhiều năm (158 tỷ đồng); chưa chuyển nguồn theo quy định (2.215 tỷ đồng) hoặc chuyển nguồn kinh phí hết nhiệm vụ chi (712 tỷ đồng). Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, đến hết năm 2018, số kinh phí NSTƯ bổ sung có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia tại 37/45 địa phương bị tồn chưa hoàn trả NSTƯ theo quy định 1.606 tỷ đồng.

Về công tác cho vay, tạm ứng và ứng trước dự toán, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dư ứng trước đến hết kế hoạch năm 2018 chưa bố trí thu hồi là 74.300 tỷ đồng. Theo kết quả kiểm toán, 34/45 địa phương được kiểm toán có số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi đến ngày 31/12/2018 là 7.534 tỷ đồng; tạm ứng sai quy định 122 tỷ đồng; NSĐP tạm ứng từ NSTƯ kéo dài, quá thời hạn nhưng NSTƯ chưa thu hồi 5.059 tỷ đồng; 15/45 địa phương ứng trước dự toán NSTƯ nhưng chưa bố trí để thu hồi 10.843 tỷ đồng.

Công tác quản lý, sử dụngtài sản chưa chặt chẽ

Đánh giá về công tác mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản năm 2018, KTNN chỉ rõ, một số Bộ, cơ quan T.Ư chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp về nhà, đất kéo dài qua các năm; chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định; thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa dứt điểm; hiệu quả sử dụng tài sản nhà, đất chưa cao.

KTNN cũng chỉ ra, một số Bộ, cơ quan T.Ư có số xe ô tô vượt định mức, chưa thực hiện rà soát, sắp xếp lại xe ô tô theo quy định; chưa làm thủ tục thanh lý đối với những xe đủ điều kiện thanh lý; một số tài sản mua sắm chưa đưa vào sử dụng gây lãng phí; một số địa phương sử dụng ô tô vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc sử dụng xe ô tô chưa phù hợp quy định... Tại một số đơn vị sự nghiệp cho thuê tài sản nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định hoặc có địa phương chưa kịp thời triển khai việc lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê của các đơn vị sự nghiệp.

Trong công tác quản lý đất đai, kết quả kiểm toán cho thấy còn nhiều bất cập như: giao đất không đúng đối tượng hoặc giao đất khi đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án; giao đất không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá theo quy định. Một số địa phương chỉ định DN làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại trong khi DN chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định; cho phép DN chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang thực hiện dự án khu đô thị không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; giao đất rừng sản xuất không thu tiền thuê đất. Bên cạnh đó, một số địa phương quản lý chưa chặt chẽ, chưa xử lý quyết liệt, kịp thời vi phạm về đất đai nên đến thời điểm kiểm toán còn tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất do Nhà nước quản lý, sử dụng sai mục đích, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; DN chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất sản xuất phi nông nghiệp sang đất ở nhưng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Quyết toán NSNN năm 2018: Kỳ IV - Chi chuyển nguồn lớn, quản lý tài sản chưa chặt chẽ