Liên đoàn lao động tại nhiều bang đã tổ chức biểu tình phản đối cắt giảm tiền lương và phúc lợi.Ảnh: ST
Có một thực tế là hiện nay nhiều bang của Mỹ không có đủ tiền để trả lương hưu cho các công chức như đã hứa. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Pew - một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ, tính chung trên toàn nước Mỹ, các quỹ trả lương hưu cho người lao động tại các bang hiện thiếu tới 2.500 tỷ USD. Trong đó, bang California đang thiếu hụt ước tính khoảng 112 tỷ USD để đáp ứng các nghĩa vụ về lương hưu cho các công chức nhà nước như đã hứa hẹn.
Theo bản báo cáo, con số 112 tỷ USD này là số nợ nghĩa vụ lương hưu của bang cho năm tài khóa kết thúc ngày 30/6/2015. Con số này cao hơn con số ước tính trước đó hơn 20 tỷ USD và được Văn phòng Kiểm toán bang California công bố trong bản Báo cáo tài chính toàn diện hàng năm của bang nhằm mục đích trình bày một cách chính xác hơn về nghĩa vụ tài chính của Chính phủ. Nhiều nhà phân tích cho rằng, số nợ này có thể tiếp tục tăng gấp đôi trong năm 2017 khi Chính phủ yêu cầu giải trình các khoản trợ cấp y tế chưa được hoàn trả cho người nghỉ hưu.
Theo quy định, hàng năm bang California phải xây dựng các kế hoạch hưu trí nhằm đảm bảo Quỹ lương hưu vẫn còn khả năng chi trả. Song trong 11 năm qua, bang này đã không đáp ứng được các kế hoạch lương hưu đặt ra, gây ra lỗ hổng ngân sách 112 tỷ USD. Hồi năm ngoái, chính quyền bang California báo cáo nợ lương hưu chỉ ở mức 3,2 tỷ USD. Hiện, chính quyền bang đã phải bán tài sản công, cắt nhiều dịch vụ và phúc lợi để bù đắp vào.
Ủy ban Tiêu chuẩn kế toán của Chính phủ vừa qua đã ban hành một số quy định mới, trong đó yêu cầu chính quyền các bang cần minh bạch hơn trong việc tính toán nợ lương hưu trí của bang và cho phép các hồ sơ tài chính dễ dàng tiếp cận hơn. Lâu nay, những chi tiết về các quỹ hưu trí dành cho công chức Chính phủ luôn được “chôn sâu” trong các Báo cáo tài chính của các quỹ. Những dữ kiện từ bản báo cáo của Văn phòng kiểm toán bang California đã làm gia tăng những tranh luận và bất mãn xung quanh câu chuyện chi phí hưu bổng dành cho giới công chức Chính phủ.
Theo ông Kil Huh - Chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Pew, các bang hiện đang phải trông đợi vào sự tăng trưởng liên tục của thị trường chứng khoán để trang trải các khoảng trống trong ngân sách. Liên đoàn lao động tại nhiều bang đã tổ chức biểu tình phản đối cắt giảm tiền lương và phúc lợi. Những người lao động cho biết họ đã có những nhượng bộ đáng kể với chính quyền bang, song với số lượng người đến tuổi nghỉ hưu tăng nhanh như hiện nay, sẽ có rất nhiều người rơi vào cảnh khó khăn nếu lương hưu bị cắt giảm.
Tại Mỹ, các Quỹ hưu trí là tổ chức đầu tư có lượng tài sản lớn thứ nhì, chỉ đứng sau các công ty đầu tư, với danh mục đầu tư bao gồm cổ phiếu, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, bất động sản... Các Quỹ hưu trí bắt buộc do Nhà nước quản lý và hỗ trợ kinh phí, người lao động có thể được hưởng chế độ ngay sau khi về hưu. Đây là các loại hình quỹ có mức hưởng lợi xác định dựa trên thu nhập, vì vậy, các quỹ này luôn chịu gánh nặng chi trả lớn và tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính, đặc biệt khi dân số già hóa, số lượng người đóng bảo hiểm ít hơn số người hưởng lương hưu.
Được biết, Quỹ hưu trí dành cho giáo viên bang California (hay còn gọi là Calstrs) đã công bố thua lỗ 25% trong năm tài khóa kết thúc ngày 30/6/2015. Đây là quỹ hưu trí lớn thứ 2 tại Mỹ bên cạnh Calpers. Giải thích về kết quả kinh doanh thua lỗ, đại diện Quỹ cho rằng, kết quả kinh doanh này chịu ảnh hưởng của thị trường chứng khoán đi xuống và sự sụt giảm giá trị của các bất động sản. Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody của Mỹ gần đây cho biết, hai Quỹ hưu trí Calpers và Calstrs tại California đã được đưa vào xem xét hạ mức xếp hạng tín dụng do tình hình tài chính tiêu cực và rủi ro mất khả năng thanh toán cao của bang.
(TheoCBS News và Reuters)