Kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty năm 2018: Kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước gần 11 nghìn tỷ đồng

(BKTO) - Tổng hợp kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2017 của 253 DN thuộc 31 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) vừa được KTNN công bố cho thấy, mặc dù hầu hết các TĐ, TCT kinh doanh có lãi song còn sai sót trong hạch toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN; hoạt động sản xuất kinh doanh tại một số DN kém hiệu quả, thua lỗ, mất vốn và tiềm ẩn rủi ro...




Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn. Ảnh tư liệu

Sai sót trong kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước

Theo KTNN, năm 2017, các DNNN tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ tiềm lực mạnh về tài chính, thương hiệu, trình độ khoa học - kỹ thuật, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Kết quả kiểm toán cho thấy 30/31 TĐ, TCT, công ty nhà nước được kiểm toán kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn, trong đó nhiều DN đã đi đầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác bình ổn thị trường, đóng góp lớn cho NSNN, có tỷ suất lợi nhuận và thu nhập bình quân của người lao động cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, KTNN cũng chỉ ra nhiều hạn chế, trong đó, phần lớn các TĐ, TCT và công ty nhà nước còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; đồng thời, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN 10.896 tỷ đồng và 336.999 USD.

Làm rõ thêm vấn đề này tại cuộc họp báo công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế thì các DN tự kê khai, tự nộp thuế và cơ quan quản lý thuế chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ thuế sau khi DN đã kê khai, nộp thuế. KTNN theo chức năng của mình đã tiến hành kiểm toán các DN và kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ thuế của đối tượng người nộp thuế. Qua kiểm toán đã phát hiện hàng chục nghìn tỷ đồng do các DN, các tập đoàn, tổng công ty kê khai, nộp thuế thiếu, không đúng quy định pháp luật về thuế.

Ngoài ra, KTNN đã tiến hành đối chiếu thuế tại 3.171 DN ngoài quốc doanh và đã kiến nghị xử lý tài chính tăng thêm trên 1.600 tỷ đồng và đã phát hiện 2.921 DN có sai phạm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, là do căn cứ, cơ sở tính thuế chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra, kiểm tra thuế chưa kiểm tra được toàn diện. Đặc biệt, do cơ chế, chính sách về thuế chưa đồng bộ, cụ thể nên việc vận dụng các cơ sở tính toán thuế theo những cách hiểu khác nhau. Cá biệt, có DN chưa thực sự tự giác trong kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: Trách nhiệm để xảy ra những sai sót này trước hết thuộc về người nộp thuế phải kê khai chính xác, kịp thời, trung thực, đúng quy định pháp luật về thuế. Bên cạnh đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong kiểm tra, đôn đốc, thanh tra kịp thời ngay sau khi kê khai nộp thuế; phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra khác để tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về thuế, góp phần đưa việc thực hiện nghĩa vụ thuế đi vào nền nếp, kỷ cương.

Nhiều đơn vị kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ lớn

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển lớn; chưa thực hiện đánh giá giá trị nhập kho hoặc hạch toán giảm chi phí sản xuất kinh doanh đối với vật tư thu hồi từ hoạt động sửa chữa, thay thế, nâng cấp tài sản. Đồng thời, nhiều đơn vị trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khấu hao tài sản cố định không đúng quy định; đầu tư tài sản cố định chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả gây lãng phí.

Đáng chú ý, qua kiểm toán cho thấy, một số DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính. Một số DN sử dụng vốn vay không đúng mục đích, hệ số bảo toàn vốn thấp; chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Cũng theo kết quả kiểm toán, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN trực thuộc TĐ, TCT không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể. Nhiều khoản đầu tư, góp vốn của các TĐ, TCT thua lỗ.

Bên cạnh đó, một số đơn vị trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định; góp vốn, sở hữu chéo với các DN trong cùng TĐ, TCT, góp vốn vượt giới hạn không đúng quy định; lập báo cáo giám sát chưa đầy đủ, chưa ban hành quy chế người đại diện vốn.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. Cùng với đó, việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài của một số DN vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.

Trong quản lý và sử dụng đất đai, tuy diện tích, số lượng cơ sở đất mà các TĐ, TCT và DNNN được giao rất lớn song chưa được bản thân DN và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ. Nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với NSNN; tính tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bất động sản chưa đúng quy định.

Công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số DN còn thiếu chặt chẽ từ khâu lập quy hoạch tổng thể, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế cơ sở đến việc huy động vốn, bố trí vốn chậm, chưa phù hợp tiến độ thực hiện; sử dụng vốn không đúng mục tiêu; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng không đúng quy định; một số dự án phải dừng, giãn tiến độ. Đặc biệt, một số dự án đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, có nguy cơ không đảm bảo cơ cấu vốn được phê duyệt hoặc tiềm ẩn rủi ro phát sinh chi phí, giảm hiệu quả đầu tư.

Nhiều dự án nghiệm thu, thanh toán, quyết toán còn sai sót về khối lượng, đơn giá và chưa đầy đủ thủ tục, KTNN kiến nghị thu hồi, giảm thanh toán 210 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 5.681 tỷ đồng.

Đ. KHOA
Theo Báo kiểm toán số 29 ra ngày 18-7-2019
Cùng chuyên mục
Kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty năm 2018: Kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước gần 11 nghìn tỷ đồng