Thưa ông, dù kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) đã được thực hiện nhiều năm nay, nhưng tại buổi Tọa đàm “Tổ chức KTCĐ của KTNN: Thực trạng và giải pháp”, không ít đại biểu vẫn thắc mắc về những cơ sở lý luận của hình thức kiểm toán này. Vậy theo ông, khái niệm KTCĐ nên được hiểu như thế nào?
TS. LÊ ĐÌNH THĂNG |
Cách thứ nhất: Cuộc KTCĐ do toàn Ngành thực hiện trên phạm vi toàn quốc và chuyên sâu về một nội dung quản lý. Cách thức tổ chức kiểm toán này phục vụ những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia, phục vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc đánh giá, hoạch định chính sách quản lý. Lưu ý, đây không phải là cuộc kiểm toán đối với toàn bộ một chương trình mục tiêu hoặc một lĩnh vực cụ thể nào đó.
Cách thứ hai, KTCĐ có thể kiểm toán theo một chủ đề quản lý nhưng lồng ghép với các cuộc kiểm toán trong toàn Ngành trong một năm nào đó. Với trường hợp này, không nhất thiết phải tổ chức thành một cuộc kiểm toán mà kiểm soát chuyên đề theo hướng kiểm soát các mục tiêu, nội dung kiểm toán để cuối năm có thể tổng hợp, báo cáo thành một chủ đề cụ thể.
Cách thứ ba, KTCĐ được thực hiện riêng rẽ tại một chuyên ngành, khu vực và đối với một nội dung, chủ đề cụ thể tại Bộ, ngành hay địa phương. Kết quả KTCĐ dạng này phục vụ cho công tác quản lý của Bộ trưởng hay Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân. Hằng năm, từng KTNN chuyên ngành, khu vực phải lựa chọn một chuyên đề cho phù hợp với đặc thù, đáp ứng được yêu cầu của Hội đồng Nhân dân hoặc của Bộ, ngành. Theo đó, mỗi năm, một KTNN khu vực kiểm toán 4- 5 tỉnh, thành nhưng chuyên đề không nhất thiết giống nhau bởi mỗi địa phương có đặc thù khác nhau. Tương tự, ở các Bộ, KTNN chuyên ngành cũng có thể lựa chọn các chuyên đề để đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng. Thậm chí trong lĩnh vực Quốc phòng, an ninh cũng có thể lựa chọn chuyên đề, chẳng hạn, có thể lựa chọn chuyên đề bảo trì, bảo dưỡng vũ khí tại Bộ Quốc phòng và thực hiện kiểm toán trong toàn quân…
Bên cạnh đó, các đơn vị có thể tổ chức một cuộc KTCĐ lồng ghép trong một cuộc kiểm toán. Ví dụ, tại một tập đoàn, tổng công ty, đoàn kiểm toán có thể chỉ kiểm toán việc quản lý nợ/ quản lý doanh thu/ quản lý chi phí. Thậm chí, trong chi phí có thể thực hiện chuyên đề quản lý tiền lương. Hay khi kiểm toán ngân sách địa phương, KTNN khu vực chỉ lựa chọn một chủ đề, như: vay của chính quyền địa phương/ nợ xây dựng cơ bản hoặc chi sự nghiệp giáo dục của địa phương…
Với cách hiểu như vậy, bản chất của KTCĐ cũng có thể hiểu là cuộc kiểm toán hoạt động, dù có khác biệt là các cuộc KTCĐ không xây dựng thành những tiêu chí cụ thể và phải có những kết luận về công tác quản lý. Trên thực tế, lâu nay, các đơn vị trực thuộc KTNN vẫn còn quan niệm: KTCĐ là một cuộc kiểm toán rộng lớn, riêng rẽ. Chính quan niệm này đã khiến cho việc thực hiện kiểm toán trở nên khó khăn, và kết quả kiểm toán cũng không được như mong đợi.
Sự khó khăn mà ông đề cập đã bộc lộ ở những khâu nào trong thực tiễn kiểm toán, thưa ông?
- Thứ nhất, đó là vướng mắc trong việc lựa chọn chủ đề kiểm toán. Thực tế, KTNN đã có những cuộc kiểm toán mang tính chuyên ngành hơn là một chuyên đề. Thậm chí, cuộc kiểm toán mang tên một chương trình mục tiêu quốc gia cũng gọi là KTCĐ. Lẽ ra, trong chương trình mục tiêu đó, chúng ta có thể lựa chọn một nội dung hoặc một chủ đề cụ thể, không phải kiểm toán toàn bộ chương trình. Chẳng hạn, đối với việc kiểm toán về trái phiếu chính phủ, chúng ta cần phải đi sâu vào một chủ đề như việc phát hành hay quản lý, phân bổ hoặc sử dụng nguồn vốn này cho đầu tư… Cũng với Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, KTNN chỉ nên lựa chọn một nội dung (chủ đề), như xây dựng đường giao thông nông thôn…
Toàn cảnh buổi Tọa đàm - Ảnh: THANH TÙNG
Thứ hai, nhiều Kiểm toán viên chưa am hiểu hết về KTCĐ, coi KTCĐ là vấn đề rất khó nên ngại thực hiện. Hơn nữa, sự phối hợp giữa các đơn vị kiểm toán còn khá yếu và lỏng lẻo, trong khi đơn vị chủ trì phải “lăn lưng” ra làm thì đơn vị phối hợp vẫn xem như đó không phải là việc của mình. Tôi cho rằng, việc thực hiện KTCĐ cần sự tập trung ý chí của toàn Ngành, không thể coi đây là nhiệm vụ riêng của đơn vị chủ trì hay của Vụ Tổng hợp.
Hiện nay, nhiều cuộc KTCĐ còn rời rạc, không kết luận được vấn đề mang tính khái quát. Trên thực tế, một số cuộc kiểm toán đã mang lại những thông tin có giá trị như vũ khí cho KTNN, nhưng vì nó chỉ mang tính nhỏ lẻ ở từng khu vực nên không thể kết luận thành một vấn đề chung của quốc gia. Đơn cử, một cuộc kiểm toán đã phát hiện ra rằng: DN ngoài quốc doanh bình quân một năm chỉ kê khai, nộp 2,8 triệu đồng thuế thu nhập DN. Số liệu này cho thấy: một là DN trốn thuế thu nhập DN nhiều, hai là DN hoạt động quá kém hiệu quả. Thực tế đặt ra là không thể tất cả DN trong một địa phương đều kém hiệu quả. Cả hai vấn đề đều liên quan đến kinh tế vĩ mô, nhưng bởi mỗi năm KTNN chỉ kiểm toán nội dung này ở vài ba tỉnh, thành nên không khái quát được điều gì. Nếu nội dung này được thực hiện kiểm toán trên toàn quốc thì kết quả sẽ rất có giá trị.
Thứ ba, các cuộc KTCĐ chưa có sự thực hiện thống nhất trong toàn Ngành. Cùng đề cương, mẫu biểu nhưng mỗi chuyên ngành, mỗi khu vực thực hiện và kết luận có sự khác biệt. Đây là vấn đề quản lý mang tính nội tại có thể khắc phục được khi có sự thống nhất ý chí là sự quyết tâm.
Ngoài ra, một khó khăn nữa phải kể đến là việc tổng hợp kết quả kiểm toán. Các đơn vị đã không gửi báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán về Vụ Tổng hợp và đơn vị chủ trì, thay vào đó là gửi toàn bộ báo cáo kiểm toán. Về bản chất, đây mới chỉ là việc cộng dồn kết quả, chưa phải là tổng hợp, trong khi đơn vị tổng hợp báo cáo không thể đủ nhân lực và thời gian để đọc toàn bộ báo cáo với hàng nghìn trang. Điều này dẫn đến kết quả kiểm toán chuyên đề chủ yếu phản ánh kết quả kiểm toán của đơn vị chủ trì kiểm toán.
Để giải quyết những khó khăn trên, theo ông, KTNN cũng như các đơn vị thực hiện KTCĐ cần phải có sự điều chỉnh, thay đổi như thế nào?
- Có thể khẳng định, KTNN muốn phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì chắc chắn phải thực hiện KTCĐ và các cuộc kiểm toán này phải kết luận được những vấn đề về công tác quản lý, về cơ chế quản lý của quốc gia, của Bộ, địa phương hay đơn vị được kiểm toán.
Điều đầu tiên là KTNN phải nhận thức rõ và đúng về KTCĐ; phải tập hợp đội ngũ chuyên gia để xây dựng, ban hành hướng dẫn chung về KTCĐ làm định hướng cho việc xây dựng các đề cương cụ thể. Hiện nay, KTNN mới chỉ ban hành đề cương hướng dẫn thực hiện từng cuộc KTCĐ, hay còn gọi là kế hoạch tổng thể của một chuyên đề.
Tiếp đó, KTNN phải chỉ đạo thống nhất công tác phối hợp trong toàn Ngành. Giải quyết được vấn đề này thì nhiều vấn đề khác cũng sẽ được giải quyết.
Ngành cũng cần có chỉ đạo rõ ràng trong việc tổng hợp kết quả kiểm toán. Với những cuộc KTCĐ quy mô toàn Ngành, từng KTNN chuyên ngành, khu vực phải tổng hợp kết quả kiểm toán của đơn vị mình gửi Vụ Tổng hợp hoặc đơn vị chủ trì, không phải chỉ gửi toàn bộ báo cáo kiểm toán.
Việc thực hiện thành công những giải pháp nói trên đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị của toàn Ngành. Từ lãnh đạo Ngành đến Kiểm toán viên và các bộ phận liên quan phải thống nhất được ý chí và hành động. Mỗi cá nhân hoàn thành chức trách, bổn phận của mình sẽ tạo thành khối tập trung thống nhất, tạo ra sức mạnh tổng thể và mang đến thắng lợi cho Ngành. Nếu thiếu quyết tâm chính trị, các cuộc kiểm toán này sẽ rất rời rạc.
Mỗi năm, KTNN chỉ cần lựa chọn một hoặc một vài chuyên đề mang tính toàn Ngành và tập trung lực lượng để thực hiện; đồng nghĩa với việc mỗi năm Ngành cũng sẽ đưa ra được ý kiến về từng vấn đề kinh tế - xã hội thông qua các cuộc KTCĐ. Chúng ta hy vọng rằng, với sự quyết tâm chung của toàn Ngành, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi trong việc KTCĐ, hoàn thành sứ mệnh của KTNN trong kiểm toán tài chính công, tài sản công, đáp ứng được sự mong mỏi của Chính phủ, Quốc hội và nhân dân đối với hoạt động kiểm toán.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
THÙY ANH (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 29-11-2018
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 29-11-2018