Hoạt động kiểm toán đảm bảo duy trì lợi ích từ việc đầu tư vốn và tài sản của Nhà nước vào DN mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối. Ảnh tư liệu |
Thực hiện trách nhiệm giải trình và bảo vệ quyền lợi nhà nước
Theo TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, KTNN thực hiện kiểm toán để bảo vệ quyền lợi nhà nước (bảo vệ việc quản lý nguồn lực công). Qua hoạt động kiểm toán của KTNN, tất cả cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn lực công thực hiện trách nhiệm giải trình về việc sử dụng tài chính công, tài sản công đã được Nhà nước đầu tư. Đồng thời, hoạt động kiểm toán nhằm đảm bảo duy trì lợi ích từ việc đầu tư vốn và tài sản của Nhà nước vào DN mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối.
TS. Lê Đình Thăng phân tích, khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thay đổi, từ DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đến DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ rồi DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50%, đến một lúc nào đó, thậm chí Nhà nước chỉ nắm giữ 30 - 40%. Vấn đề đặt ra là Nhà nước có cần nắm giữ không quá 40% cổ phần tại DN hay không? Thứ hai, vốn của Nhà nước tại DN là nguồn lực công, tài sản công cho nên bất luận một đồng tài sản công, một đồng vốn công nào cũng cần được kiểm toán. Thứ ba, Chính phủ cần thực hiện trách nhiệm giải trình về việc đầu tư vốn nhà nước dưới 50% mang lại lợi ích gì, nguồn vốn này đang được quản lý ra sao? Đây là những vấn đề KTNN cần kiểm toán.
Có ý kiến cho rằng, DN dưới 50% vốn nhà nước thuộc đối tượng kiểm toán độc lập, KTNN không nhất thiết phải kiểm toán DN này hoặc định kỳ 3 - 5 năm mới kiểm toán một lần. Về vấn đề này, có thể khẳng định rằng, việc thuê công ty kiểm toán độc lập kiểm toán hằng năm là nhu cầu và trách nhiệm của chủ DN. Qua kiểm toán độc lập, DN sẽ được công ty kiểm toán tư vấn về quản trị nguồn vốn nói chung. Tuy nhiên, kiểm toán độc lập chỉ kiểm toán báo cáo tài chính, xác nhận báo cáo có đúng tiêu chuẩn, nguyên tắc hay không. Kiểm toán độc lập cũng không có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước (bảo toàn và phát triển số vốn của Nhà nước). Khi đó, ai bảo vệ số vốn cũng như quyền lợi của Nhà nước? Để góp phần giải quyết những vấn đề này, KTNN cần phải “vào cuộc” và phát huy vai trò.
Kiểm toán doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước như thế nào?
TS. Lê Đình Thăng cho rằng, khi kiểm toán vốn và tài sản nhà nước tại DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, KTNN cần làm rõ các câu hỏi: Vốn và tài sản nhà nước còn không? Hiệu suất đầu tư như thế nào? Nhà nước cần đầu tư vào lĩnh vực đó hay không? Khi không cần đầu tư, Nhà nước rút vốn theo hình thức nào?
Để làm sáng tỏ các câu hỏi đó, KTNN có thể kiểm toán theo các chuyên đề lớn đối với nhóm ngành nghề, nhóm mặt hàng hoặc Bộ, ngành, địa phương; kiểm toán chuyên đề nhỏ với DN có quy mô vốn tương đối lớn. Trong quá trình kiểm toán, KTNN cần sử dụng tối đa số liệu đã được công ty kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính (đã tính tỷ suất lợi nhuận) và phải rà soát, đánh giá lại theo đúng Chuẩn mực KTNN (không kiểm toán lại).
KTNN cần tránh việc kiểm toán báo cáo tài chính vì đó là trách nhiệm của chủ DN. Nội dung kiểm toán chủ yếu của KTNN là kiểm toán việc tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng, bảo toàn vốn, tài sản nhà nước (để kiểm soát nguồn đầu tư vốn, tài sản của Nhà nước vào DN).
Định kỳ 2 - 3 năm hoặc 5 năm, KTNN phải có báo cáo tổng thể về tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN không nắm cổ phần chi phối hoặc báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào các DN. Như vậy, KTNN sẽ có báo cáo về DNNN nắm giữ 100% cổ phần, cổ phần chi phối và cổ phần không chi phối. Đối với DNNN nắm cổ phần không chi phối, KTNN cần đặc biệt lưu ý về việc kết luận hiệu suất đầu tư - yếu tố rất quan trọng trong hoạt động đầu tư của bất kỳ nhà đầu tư nào (trong đó có Nhà nước).
Khi KTNN kiểm toán các nội dung trên, kết quả kiểm toán sẽ cho biết tình hình quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước như thế nào, Nhà nước đã đầu tư bao nhiêu cổ phần không chi phối tại bao nhiêu DN, nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào DN có lợi hay không, hiệu suất như thế nào, ngành nghề nào Nhà nước đang đầu tư nhiều nhất, những ngành nghề đó Nhà nước có cần thiết phải đầu tư hay không; thực trạng tuân thủ pháp luật của các DN như thế nào… Những nội dung kiểm toán này là vấn đề được các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội mong chờ.
Khi KTNN khuyến nghị Nhà nước không cần đầu tư vào DN thì cơ quan quản lý vốn nhà nước có thể quyết định bán cổ phần đó để thu hồi vốn, tạo sức mạnh tài chính để đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm, những ngành then chốt, mũi nhọn và đem lại hiệu suất cao hoặc khuyến nghị Nhà nước điều chỉnh các chính sách vĩ mô cho hợp lý để DN nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển sôi động hơn… Hơn nữa, kinh nghiệm tại Cộng hòa Liên bang Đức cho thấy, với việc tăng cường kiểm toán các nguồn lực công tại DN thông qua hoạt động kiểm toán nhà nước, nhiều DN tư nhân đã xác định không sử dụng vốn của Chính phủ. Do đó, việc KTNN kiểm toán vốn, tài sản nhà nước tại DN dưới 50% vốn nhà nước còn là biện pháp để ngăn chặn nhiều tổ chức tư nhân muốn sử dụng nguồn lực công./.
THÙY ANH