Kiểm toán doanh nghiệp năm 2019: Kỳ cuối - Bất cập xử lý tài sản, xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp

(BKTO) - Năm 2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa của 2 DN; quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 9 tổng công ty (TCT). Qua đó, tình trạng xử lý tài sản chưa đúng quy định tại nhiều đơn vị đã được KTNN chỉ ra, đồng thời quyết toán giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng gần 1.260 tỷ đồng.




KTNN xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước ở thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại các TCT được kiểm toán là gần 1.260 tỷ đồng. Ảnh: Xuân Trường

Nhiều bất cập, hạn chế trongxử lý tài sản

Qua kiểm toán 2 DN là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sóc Trăng và Công ty mẹ - TCT Xi măng Việt Nam (Vicem), KTNN chỉ ra rằng, Công ty mẹ - Vicem đã loại tài sản không cần dùng khỏi giá trị DN và đề nghị điều chuyển, bàn giao không đúng quy định. Cụ thể, Vicem đã đề nghị điều chuyển Nhà điều dưỡng 5 tầng về Bộ Xây dựng quản lý, điều này là không đúng với quy định tại Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Vicem cũng đã đề nghị bàn giao về địa phương một số tài sản là cầu, đường do các công ty con đầu tư xây dựng, đang sử dụng làm đường giao thông phục vụ dân sinh và sản xuất kinh doanh, trong đó, các công trình cầu, đường tại Vicem Hải Phòng có nguyên giá 93,878 tỷ đồng, giá trị còn lại 56,188 tỷ đồng; các công trình cầu, đường tại Vicem Tam Điệp có nguyên giá 15,854 tỷ đồng, giá trị còn lại là 6,167 tỷ đồng. Điều này không đúng với quy định tại điểm 3, Điều 14 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP là “Các tài sản không được phép loại trừ bao gồm: Đối với tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc (bao gồm cả các công trình ngầm, đường xá, tường rào, sân bãi) mà DN có sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp… DN phải tiếp tục quản lý, theo dõi và xử lý dứt điểm theo quy định của pháp luật hiện hành đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần”.

Bên cạnh đó, Vicem có đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc chưa được phê duyệt lại. Trong đó, với lô đất 8.476m2 tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), TCT đã đề xuất thay đổi từ “Tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm Điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án” đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng TCT chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt. Đối với lô đất 52.083m2 tại Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), TCT đã đề xuất thay đổi từ “Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy” thành “tiếp tục quản lý sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hóa sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP. Hà Nội”, đề xuất này đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương, song đến thời điểm kiểm toán, Bộ Tài chính vẫn chưa có ý kiến. Còn với lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi - xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), TCT đã đề xuất thay đổi từ “Tiếp tục xây dựng Dự án Nhà máy Kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi” thành “chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án”, tuy nhiên, đến tháng 5/2019, Bộ Xây dựng chưa có ý kiến đối với đề xuất này.

Quyết toán tăng giá trịphần vốn nhà nước gần 1.260tỷ đồng

Sau khi kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, KTNN đánh giá, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đã đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ, như: TCT Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, TCT Sông Đà, TCT Vật liệu xây dựng số 1, TCT Đầu tư nước và môi trường Việt Nam, TCT Xây dựng Hà Nội, TCT Lilama, TCT Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương; TCT Xây dựng số 1. Một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa; có đơn vị xây dựng phương án sử dụng đất không đầy đủ để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chậm hoàn thành bán cổ phần và hoàn thiện thủ tục chuyển giao sang công ty cổ phần. Liên quan đến những vấn đề này, KTNN chỉ ra rằng, TCT Sông Đà đã lập báo cáo tài chính chậm 3 tháng, TCT Viglacera chậm hơn 7 tháng; TCT Xây dựng Hà Nội, TCT Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương cũng lập báo cáo tài chính chậm. TCT Xây dựng số 1 lập Biên bản quyết toán cổ phần hóa và Biên bản kiểm tra kết quả quyết toán vốn nhà nước chậm hơn 15 tháng; TCT Xây dựng Hà Nội, TCT Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương làm việc với cơ quan thuế để quyết toán thuế chậm so với thời hạn quy định.

Bên cạnh đó, KTNN cũng đánh giá rằng UBND một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến hoặc cho ý kiến chưa đầy đủ về phương án sử dụng đất, giá đất. Trong đó, UBND TP. HCM chưa có ý kiến về phương án sử dụng đất của TCT Vật liệu xây dựng số 1, TCT Xây dựng số 1; UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa chưa có ý kiến về phương án sử dụng đất của TCT Vật liệu xây dựng số 1; UBND TP. Hà Nội chưa có ý kiến đối với phương án sử dụng đất của TCT Xây dựng Hà Nội; UBND TP. Đà Nẵng chưa có ý kiến đối với TCT Lilama; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có ý kiến về phương án sử dụng đất của TCT Vật liệu xây dựng số 1. Các địa phương này cũng chưa có ý kiến về giá đất đối với TCT Xây dựng Hà Nội, TCT Lilama, TCT Xây dựng số 1.

Từ thực tế kiểm toán, KTNN cũng nêu rõ một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác. Đáng chú ý có tình trạng xác định không chính xác kết quả kinh doanh giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần. KTNN cũng xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại các TCT được kiểm toán là 1.258,52 tỷ đồng.
         
KTNN quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại TCT Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương tăng 953,61 tỷ đồng; TCT Xây dựng Hà Nội tăng 264,27 tỷ đồng; TCT Viglacera tăng 14,91 tỷ đồng; Lilama tăng 9,71 tỷ đồng; TCT Đầu tư nước và môi trường Việt Nam tăng 9,47 tỷ đồng; TCT Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam tăng 4,89 tỷ đồng; TCT Xây dựng số 1 tăng 1,66 tỷ đồng.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao hiệu quả sử dụng chuyên gia trong hoạt động kiểm toán
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong hoạt động kiểm toán, việc sử dụng chuyên gia để giúp thu thập các bằng chứng kiểm toán thích hợp là xu thế được các tổ chức kiểm toán tối cao trên thế giới thực hiện, KTNN Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, sử dụng ý kiến chuyên gia thế nào để nâng cao hiệu quả kiểm toán, trách nhiệm của chuyên gia trong hoạt động kiểm toán đến đâu… là những vấn đề được nhiều đơn vị lưu ý.
  • AQIs - Thước đo hiệu quả kiểm toán báo cáo tài chính
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Bộ chỉ số chất lượng kiểm toán (AQIs) là một trong những công cụ quan trọng để đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của DN. Đặc biệt, tại Việt Nam, khi tính minh bạch thông tin trên BCTC của không ít DN niêm yết vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn thì việc nghiên cứu, xây dựng AQIs phù hợp với thông lệ quốc tế là yêu cầu cấp thiết.
  • Phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung xây dựng thành công Đề án thành lập Học viện Kiểm toán
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên giao cho Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) nhân buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2020).
  • Kiểm toán Nhà nước khu vực VI trao tặng nhà tình nghĩa cho người có công tại tỉnh Bắc Giang
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020) và thực hiện kế hoạch hành động năm 2020 của Công đoàn KTNN khu vực VI, được sự đồng ý của lãnh đạo, Công đoàn KTNN, ngày 17/11, KTNN khu vực VI đã tổ chức trao nhà tình nghĩa cho hộ gia đình Ông Nguyễn Văn Dân là nạn nhân chất độc màu da cam có tỷ lệ thương tật trên 80%, không có khả năng lao động, đang sống cùng mẹ là bà Trần Thị Hường tại thôn Ngọ Không, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
  • Thẩm định đề cương đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 17/11, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức họp thẩm định đề cương, thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021. GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - chủ trì cuộc họp. Tham dự có Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa và các thành viên trong Tổ thẩm định.
Kiểm toán doanh nghiệp năm 2019: Kỳ cuối - Bất cập xử lý tài sản, xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp