Kiểm toán doanh nghiệp năm 2019: Kỳ II - Nhiều doanh nghiệp quản lý, sử dụng vốn, tài sản chưa hiệu quả

(BKTO) - Cùng với việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước giao cho DN còn thiếu chặt chẽ, nhất là trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khai thác khoáng sản, thì việc thoái vốn chậm, sử dụng vốn chưa hiệu quả là những vấn đề được KTNN chỉ ra qua kiểm toán các DNNN năm 2019.




KTNN chỉ ra nhiều bất cập trong việc thoái vốn, sử dụng vốn của các DNNN. Ảnh: NhưÝ

Công tác quản lý của nhiều doanh nghiệp thiếu chặt chẽ

Theo KTNN, một số đơn vị vẫn còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, như Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội chưa sử dụng 6,63ha tại quận Hoàng Mai (Hà Nội); đối với 1,26ha tại Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội), đơn vị mới sử dụng một phần nhỏ làm văn phòng, còn lại cho thuê hoặc không sử dụng; đối với 38,9ha tại phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đơn vị mới sử dụng một phần cho thuê nhà xưởng, kho bãi. Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) có 142,09ha chưa có dự án đầu tư kinh doanh, trong đó nhiều khu đất đang bỏ trống. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã sử dụng đất không đúng mục đích, như Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội sử dụng không đúng mục đích 3,27ha, trong đó 2.927m2 xây dựng nhà ở để bán khi chưa có quyết định giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. DN này cũng sử dụng 5.644m2 đất dịch vụ công ích tại Bán đảo hồ Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) để cho thuê kinh doanh nhà hàng…

Tình trạng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN cũng được KTNN phát hiện với con số kiến nghị tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phải nộp tăng thêm của Tổng công ty ACV là 63,88 tỷ đồng; Saigontourist 25,6 tỷ đồng; Vicem 8,13 tỷ đồng; Sonadezi 5,92 tỷ đồng; VRG 4 tỷ đồng; Vinachem 3,08 tỷ đồng; TKV 2,98 tỷ đồng… Đặc biệt, một số đơn vị của VRG còn có tình trạng giao khoán đất cho cá nhân cư trú ngoài địa bàn, giao khoán vượt hạn mức quy định. Có DN (Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn) còn chuyển nhượng dự án hình thành trong tương lai khi chưa được chấp thuận.

Đối với các đơn vị khai thác khoáng sản, KTNN chỉ ra một loạt những vấn đề như: khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép, vẫn tiếp tục khai thác khi giấy phép đã hết hạn; khai thác vượt mức sản lượng, công suất được cấp phép; chưa tạm tính và nộp tiền cấp quyền khai thác đối với phần sản lượng khai thác vượt mức; chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác theo quy định.

Trong công tác quản lý vốn của các DN được kiểm toán, nhiều DN chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, như: TKV chưa thoái vốn đầu tư tại 1 DN; Công ty Cao su Phước Hòa chưa thoái vốn tại 2 đơn vị; HUD chưa thoái vốn tại 2 đơn vị; Lilama chưa thoái vốn tại 1 đơn vị; Vinaincon chưa thoái vốn tại 1 đơn vị; Vietnam Airlines có 2 khoản đầu tư chưa thoái vốn; Saigontourist có 4 khoản đầu tư… Các DN cũng chậm thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng. Một vấn đề nữa là các DN gặp nhiều vướng mắc trong việc xác định giá trị văn hóa lịch sử khi xác định giá trị DN.

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tập đoàn, tổng công ty, qua kiểm toán cho thấy, một số dự án được phê duyệt nhưng chưa có trong danh mục quy hoạch, trong quy hoạch vùng, ngành. Chẳng hạn, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình chưa có trong danh mục Quy hoạch điện VI; Dự án Nhà máy Sản xuất phân đạm từ than cám tại thời điểm thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì Dự án vẫn chưa có trong quy hoạch ngành được phê duyệt; Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước tại thời điểm lập Dự án chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu, chưa ban hành lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học… Có một số dự án trình thông qua chủ trương đầu tư khi chưa được xem xét, thẩm định, không đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết đầu tư; có dự án không lập dự án đầu tư xây dựng công trình dù tổng mức đầu tư lên tới trên 15 tỷ đồng.

Nguồn vốn được sử dụng chưa hiệu quả

Cũng liên quan đến vấn đề sử dụng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty, KTNN đã chỉ ra tình trạng phê duyệt dự án khi chưa có đầy đủ cơ sở; không nêu rõ nguồn vốn; chưa tổng hợp hết các hạng mục vào tổng mức đầu tư; xác định tổng mức đầu tư chưa đầy đủ cơ sở. Có dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư không bao gồm thuế giá trị gia tăng; phê duyệt khi chưa được thẩm tra, thẩm định hoặc chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tiếp đó là tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư với giá trị lớn; điều chỉnh không phù hợp làm tăng tổng mức đầu tư; xác định quy mô đầu tư chưa phù hợp phải điều chỉnh.

Ngoài ra, còn có những vấn đề như thiết kế không tính toán kết cấu dẫn đến xảy ra sự cố; không phù hợp với quy hoạch, chưa đảm bảo công suất và hiệu quả dự án; phê duyệt nội dung công nghệ chưa phù hợp, không lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm A; thậm chí phương án tài chính, phương án trả nợ chưa được tổ chức cho vay thẩm định; chấp thuận cho vay trước khi quyết định đầu tư; các chỉ số trong phương án tài chính chưa đủ căn cứ xác định; không đảm bảo cơ cấu nguồn vốn được phê duyệt, không đúng cam kết.

Qua kiểm toán, KTNN cũng thẳng thắn nêu những bất cập, hạn chế của các DN như sử dụng vốn tự có không đúng mục đích, không đúng thẩm quyền, tiến độ góp vốn chậm, góp thiếu vốn điều lệ, vay vốn thương mại lớn trong khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao, ảnh hưởng đến an toàn tài chính DN. Thậm chí, DN không đối chiếu nợ gốc và lãi vay phải trả, lập dự toán không có cơ sở, áp dụng đơn giá vật liệu không đúng thông báo giá; xác định tỷ giá không phù hợp với bản chất giao dịch thanh toán chuyển khoản; chưa xem xét làm rõ số liệu chi phí và trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Trong việc lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng EPC, KTNN còn nêu ra nhiều hạn chế của các DN, như: ký hợp đồng cao hơn giá trần, ký hợp đồng không đúng thẩm quyền, thương thảo ký hợp đồng chưa cụ thể, rõ ràng có thể làm thất thoát chi phí đầu tư. Một số hạng mục điều chỉnh so với thiết kế cơ sở nhưng không thương thảo lại giá hợp đồng; một số hạng mục các thiết bị chính thuộc phạm vi hợp đồng EPC có sự chênh lệch với chi phí được duyệt. Cùng với việc lựa chọn nhà thầu còn chậm, chưa đúng quy định, tại một số dự án, DN đã tính toán và kê khai thuế chưa đầy đủ. Một số dự án phải dừng, giãn tiến độ, có dấu hiệu vi phạm về quản lý hợp đồng, quản lý chất lượng công trình. Thậm chí có dự án đã hoàn thành nhưng chưa đủ điều kiện bàn giao cho chủ đầu tư.

Bên cạnh việc chậm phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, KTNN cũng chỉ rõ những sai sót, bất cập khi DN đưa vào giá trị quyết toán một số hạng mục thi công không phù hợp với thiết kế, chưa được thi công, nghiệm thu; phê duyệt giá trị thực hiện vượt giá trị thẩm định. Công tác quản lý hồ sơ của các DN còn nhiều hạn chế, việc quản lý chất thải nguy hại còn lỏng lẻo; quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, KTNN kết luận, một số dự án (Nhà máy Sản xuất phân đạm từ than cám; Nhà máy Sản xuất Ethanol Bình Phước) hoạt động không đảm bảo hiệu quả, phải dừng hoạt động… (Kỳ sau đăng tiếp)
         
Một số dự án phải điều chỉnh giá trị tổng mức đầu tư lớn như: Dự án Thủy điện Sông Bung 2 phải điều chỉnh tăng 2.867,3 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Thủy điện Bản Chát tăng 7.334,6 tỷ đồng; Dự án Thủy điện Trung Sơn tăng 1.324,7 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình tăng 13.623,6 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Sản xuất phân đạm từ than cám tăng 269,3 triệu USD…
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Kiểm toán doanh nghiệp năm 2019: Kỳ II - Nhiều doanh nghiệp quản lý, sử dụng vốn, tài sản chưa hiệu quả